Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. (Ảnh minh họa)Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. (Ảnh minh họa)

Trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định. Ngân hàng Thế giới (WB) thì đánh giá, kinh tế Việt Nam có thể khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Việc kiểm soát dịch hiệu quả trước – trong và sau dịch đã giúp Việt Nam gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế, thu hút dòng vốn đầu tư.         

Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19 và những chính sách tích cực nhằm khôi phục kinh tế đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu. Hàng loại các câu hỏi được đặt ra: Liệu Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới? Phải làm gì để cuộc dịch chuyển này sẽ chọn "bến đỗ" là Việt Nam? Các DN Việt nhìn nhận và tận dụng cơ hội này ra sao?...

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, giảm 17,7% về số dự án và tăng 13,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 526 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,7 tỷ USD, tăng 26,8%; có 4.125 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,5 tỷ USD, giảm 56,8%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 866 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,6 tỷ USD và 3.259 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,9 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Tọa đàm: "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" diễn ra ngày 30/6, TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần giữ được 3 mục tiêu nhất quán và lâu dài..

Thứ nhất là việc phát triển kinh tế xã hội đất nước hùng mạnh. Thứ hai là xây dựng nền kinh tế tự cường và thứ ba là đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hóa dân tộc.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, 3 yếu tố để chúng ta có thể thành công trong thu hút FDI hiệu quả hơn như Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Trước tiên, về việc thẩm định cấp giấy đăng ký kinh doanh về đầu tư nước ngoài, trừ những lĩnh vực như dầu khí, bảo hiểm ngân hàng là do Thủ tướng và các cơ quan chuyên ngành quyết định, còn lại, các uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất quyết định. Vì thế, biện pháp quan trọng nhất là nâng cao năng lực của các bộ phận tham mưu bao gồm các sở  ban ngành của tỉnh, cơ quan của ban quản lý để tham mưu cho các ban quản lý biết cách lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư phù hợp định hướng mới đã được Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài nêu rất rõ.

“Nghị quyết 50 đã vừa lưu ý đến các yếu tố lợi ích kinh tế, vừa lưu ý đến an toàn, an ninh quốc gia và có một ý gần đây được đề cập tới nhiều là sự thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước. Tất cả điều này đã được Nghị quyết 50 và Chỉ thị số 1, số 2 của Thủ tướng Chính phủ vào đầu năm và sắp tới đây sẽ có một nghị quyết mới về đầu tư nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chuyển dịch. Tất cả những điều đó phải được kiểm duyệt nghiêm minh nhất”, GS. Mại nói.

Thứ hai, đó là lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài; là đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như Trí tuệ nhân tạo, robot, big data, fintech… Việc xúc tiến đầu tư cũng cần phải có định hướng, tránh những xúc tiến đầu tư chung chung.

“Sắp tới là xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Hay như TP.HCM xây dựng một khu đô thị gọi là thành phố trong thành phố. Rõ ràng phải tìm kiếm được các tập đoàn lớn của châu Âu và Mỹ và những nhà đầu tư quan tâm đến TP.HCM để hợp tác. Đây là cách làm hoàn toàn mới. Nếu như trước đây chúng ta xúc tiến đầu tư đại trà thì giờ là xúc tiến đầu tư có địa chỉ”, GS. Mại phân tích.

Và điều thứ ba, theo GS. Mại, quan trọng không chỉ đối với đầu tư nước ngoài, không chỉ đối với du lịch mà đối với toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là Đại hội Đảng lần thứ XIII để bàn đến chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030, cụ thể là kế hoạch 5 năm 2021-2025, yếu tố quan trọng nhất Thủ tướng từng nhấn mạnh là phải cải cách nhanh hơn, đồng bộ hơn để tránh tình trạng trên ấm, dưới lạnh; tránh tình trạng nơi ấm, nơi lạnh; tránh tình trạng thủ trưởng rất nhiệt huyết nhưng công chức cứ bình bình. Như thế, cả bộ máy phải chuyển động, cả bộ phận công chức phải chuyển động, cả đội ngũ doanh nghiệp phải chuyển động thế nào để cho những người lao động phải tham gia một cách tích cực vào cuộc cải cách này thì chúng ta mới có thể thành công.

Trần Nguyên