Đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch nông thôn
Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tăng. Mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% người dân nông thôn Hà Nội sử dụng nước sạch được cho là mang tính khả thi cao.
Nhà máy nước mặt sông Đuống
Về việc mở rộng mạng lưới cấp nước cho khu vực nông thôn, theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội: Thực hiện xã hội hóa cấp nước, đến nay UBND Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước (trong đó có 11 dự án phát triển nguồn tổng công suất tăng thêm 1.350.000m3/ngđ) và 23 dự án phát triển mạng cấp nước cho 382/416 xã với phạm vi cấp cho khoảng 4.023.200 người, với khoảng 1.005.000 hộ, đạt trên 94%.
Năm 2018 đã có 04 dự án cấp nguồn hoàn thành bổ sung khoảng 335.000m3/ngđ cho Thành phố, đến nay một số dự án phát triển mạng hoàn thành đã nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên trên 56,5%. Trong năm 2019 này, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 73-75%.
Về tiêu chuẩn chất lượng nước cấp: Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước cập nhật tiêu chuẩn cấp nước sạch do Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Để góp phần hoàn thành chỉ tiêu nâng tỷ lệ nước sạch khu vực nông thôn năm 2019 từ 56,5% lên 73-75% theo Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 01/3/2019 của UBND thành phố, thành phố cũng đã đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cấp nước sạch trên địa bàn thành phố trong năm 2019, tập trung nguồn lực hoàn thành mạng lưới cấp nước cho khu vực, chẳng hạn như tại các xã huyện của Gia Lâm; Đông Anh; Thanh Trì; Thanh Oai, Thường Tín (dọc quốc lộ 1A), một số xã của huyện Sóc Sơn (dọc quốc lộ 3)… sử dụng nguồn nước mặt đáng tin cậy cũng như thực hiện đấu nối cấp nước cho khoảng cho hàng trăm ngàn hộ dân.
Để phát huy hiệu quả các dự án cấp nước sạch, thành phố đã đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch nhằm bảo đảm sức khỏe; sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích; thường xuyên đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nguồn lực khẩn trương hoàn thành các dự án cấp nước đã được UBND thành phố phê duyệt.
Theo đó, chỉ đao các công ty cấp nước tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án cấp nước trong năm 2019, đôn đốc các nhà đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước để phát huy hết công suất các nhà máy nước đã đi vào hoạt động (Bắc Thăng Long - Vân Trì, Sông Đuống, Hà Đông, trạm bơm tăng áp & bể chứa từ nguồn nhà máy nước sông Đà). Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện để phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các nhà đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện các Dự án phát triển nguồn, mạng cấp nước đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư; đối với 5 nhà đầu tư triển khai dự án phát triển nguồn: yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án cấp nguồn tập trung trong năm 2019 để công suất tăng thêm khoảng 525.000m3/ngđ, nâng tổng nguồn nước sạch cấp cho hệ thống lên khoảng 1.700.000m3/ngđ; đối với 9 nhà đầu tư triển khai dự án phát triển mạng: yêu cầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai các Dự án phát triển mạng hoàn thành trong năm 2019, nâng tỷ lệ người dân được cấp nước sạch từ 55,5% lên khoảng 73 - 75%.
Tạo tiền đề phát triển ngành cấp nước tại Việt Nam
Báo cáo độc lập của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Hội thảo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” mới đây cho thấy mức độ bao phủ của các dịch vụ cấp nước và vệ sinh đang được cải thiện rõ rệt ở vùng nông thôn Việt Nam. Trong lịch sử, việc tiếp cận với các công trình cấp nước sạch và công trình phụ hợp vệ sinh ở nông thôn Việt Nam là một trong những khu vực thấp nhất ở Đông Á.
Hội thảo World Bank
Năm 2000, chỉ có 10% các hộ gia đình nông thôn được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Đến năm 2016, Khảo sát Mức sống Hộ gia đình Việt Nam cho thấy 70% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch (20% từ nước máy) và 77% hộ nông thôn được sử dụng nhà vệ sinh cải tiến.
Mặc dù có bước tiến đáng kể trong việc tiếp cận với các dịch vụ cấp nước và vệ sinh trên toàn quốc, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo vẫn còn tồn tại.
“Chỉ 7% người nghèo có nước máy so với 40% người không nghèo, chỉ 40% người nghèo được tiếp cận với nguồn nước uống hợp vệ sinh so với 81% của các gia đình khá giả; và chỉ có 30% người nghèo tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh so với 88% người khá giả hơn. Bức tranh tương tự cho các hộ gia đình thành thị và nông thôn. Chỉ 20% người dân nông thôn có nước máy so với 86% cư dân thành thị; 70% người dân nông thôn được tiếp cận với nước nguồn nước sạch hợp vệ sinh so với 96% người dân thành thị; chỉ 77% người dân nông thôn đã có nhà tiêu hợp vệ sinh so với 96% người dân thành thị.
Do đó, theo các chuyên gia môi trường, những nỗ lực tiên phong vươn mạng lưới cấp nước đô thị phục vụ khu vực nông thôn của Hà Nội sẽ tạo tiền đề rộng mở nhằm phát triển ngành cấp nước tại Việt Nam tới đây.
Minh Hương