Vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều
Thống kê từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố có 202 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tập trung trên các tuyến đê, trong đó, có 188 bãi hoạt động và 14 bãi đang tạm dừng hoạt động.
Trên toàn thành phố có 202 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tập trung trên các tuyến đê
Trong những bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động, có 37 bãi có giấy phép. Ngoài các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động ở khu vực bãi sông, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa... còn tồn tại các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều cũng như gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Riêng trong tháng 4/2018, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 22 vụ vi phạm Luật Đê điều. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương mới giải toả được hai vụ, trong đó một vụ được xử lý ngay và một vụ của các tháng trước năm 2018.
Bên cạnh đó, còn có các vi phạm khác như: Xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông, chiếm dụng mái đê để trồng các loại cây, dựng lều quán trên mặt đê, mái đê… Những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm là các huyện: Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên và Ba Vì.
Điển hình như công trình biệt thự xây dựng lấn chiếm đất hành lang đê sông Nhuệ của gia đình ông Nguyễn Văn Túc, chủ xưởng sản xuất giầy da Túc Hồng có địa chỉ tại thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên. Công trình được xây dựng trên khu đất rộng hơn 300m2, khởi công xây dựng từ đầu năm 2017. Công trình này đã lấn chiếm hàng chục mét vuông đất thuộc hành lang đê chạy dọc quốc lộ 428 (75 cũ). Việc lấn chiếm đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy, có nguy cơ phá vỡ kết cấu đê điều.
Tại vực cảng Cống Thôn (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều, hành lang thoát lũ diễn ra suốt một thời gian dài nhưng UBND huyện Gia Lâm lại chưa thể xử lý dứt điểm. Khu vực này trước đây là những bãi đất nông nghiệp nhưng được nhiều cá nhân thuê san lấp làm nhà xưởng trái phép, gây ô nhiễm môi trường...
Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi phạm xây dựng công trình, đổ đất san lấp mặt bằng và tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm chỉ giới đê điều. Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai còn có hiện tượng né tránh, hiệu quả xử lý thấp. Các đơn vị liên quan thực hiện chưa tốt quy chế phối hợp xử lý vi phạm đê điều của UBND thành phố.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, nguyên nhân do chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp dẫn đến xử lý còn nhiều hạn chế, tính răn đe giáo dục không cao. Một số cấp chính quyền xã, phường, quận chưa coi trọng việc xử lý giải tỏa và còn hình thức, xử lý không dứt điểm, dẫn đến tái vi phạm, coi thường pháp luật.
Trước thực trạng trên, các Hạt Quản lý đê thuộc Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã phối hợp với đơn vị liên quan lập biên bản và kiến nghị UBND xã, phường, thị trấn xử lý, giải tỏa các trường hợp hoạt động khai thác, tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài bãi sông không có giấy phép.
Bỏ ngoài tai chỉ đạo của thành phố?
Liên quan đến việc xử lý các vi phạm này, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cũng đã có hàng trăm văn bản đôn đốc các địa phương xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ việc đã được giải quyết còn rất thấp so với tổng số vụ vi phạm. 10 vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhiều năm gây bức xúc dư luận nhưng các quận, huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Tây Hồ, Long Biên… chưa xử lý.
Để đốc thúc xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có công văn số 2242/VP-KT đề nghị Sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã có đê xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Công văn chỉ rõ, UBND TP nhận được các văn bản của Tổng cục Phòng, chống thiên tai thông báo kết quả thực hiện dự án cấp bách, xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều và công tác quản lý đê điều năm 2018 và đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu: Chính quyền các cấp tổ chức xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, đồng thời, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về đê điều, nhất là những vụ vi phạm mới phát sinh; thông báo rộng rãi kết quả chỉ đạo, xử lý đến người dân tạo sự đồng thuận; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân. Các cấp, các ngành tăng cường phối hợp thực hiện trách nhiệm trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định của pháp luật.
Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố và các Hạt quản lý đê tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động liên quan đến đê điều; thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả, tiến độ thực hiện dự án cấp bách xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều…
UBND TP Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận, huyện, thị xã có công trình vi phạm pháp luật về đê điều, khẩn trương có phương án, nghiêm túc chỉ đạo, thực hiện xử lý dứt điểm, báo cáo UBND thành phố.
Phương Nga (t/h)