Cụ thể, 25.311 bệnh nhân phân bố tại 499 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (1.487); Hà Đông (1.424); Thanh Trì (1.289); Đống Đa (1.281); Sóc Sơn (1.174).

Như vậy, cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội, tính từ ngày 29/04/2021 cho đến nay là 917.630 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 16/03, Hà Nội có 445.648 ca dương tính với SARS-CoV-2 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có 317 ca điều trị tại khu cách ly (tăng 69 ca so với ngày 15/03); 3.252 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,73% tổng số ca đang điều trị, theo dõi). Số còn lại 442.069 ca đang điều trị, theo dõi tại nhà.

Bệnh viện Tim Hà Nội cấp cứu thành công cho bé 12 tuổi bị viêm cơ tim sau khi mắc Covid-19
Bệnh viện Tim Hà Nội cấp cứu thành công cho bé 12 tuổi bị viêm cơ tim sau khi mắc Covid-19. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Cũng trong ngày 16/03, Hà Nội ghi nhận 7 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 (từ ngày 29/04/2021 đến nay) là 1.283 người. Ngoài ra, đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi ở Hà Nội là 1.269.506 người.

Về công tác tiêm chủng, tính đến hết ngày 16/03, Hà Nội có 80,5% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi vaccine Covid-19 nhắc lại. Bên cạnh đó, gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng.

Mới đây, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cũng đã ký ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc Covid-19 được quản lý tại nhà trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã về việc xây dựng khu lưu giữ tạm thời chất thải sinh hoạt phát sinh thu gom từ các hộ gia đình có F0 được cách ly, điều trị tại nhà; đảm bảo khả năng lưu chứa, lưu giữ chất thải lây nhiễm theo quy định.

Đối với các trường hợp F0 được cách ly, điều trị tại nhà, cần phân loại rác thải sinh hoạt phát sinh theo hướng dẫn như sau:

Với chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi; bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2", buộc kín miệng túi trước khi bàn giao.

Với các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thì thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.

Ngọc Khánh