Cụ thể, 26.708 bệnh nhân phân bố tại 503 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (1.762), Sóc Sơn (1.736), Hai Bà Trưng (1.612), Thạch Thất (1.510), Cầu Giấy (1.413).
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 14/3, Hà Nội có 496.246 ca đang điều trị, theo dõi (giảm hơn 40.000 ca so với ngày 13/3). Trong đó, có 492.124 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm hơn 99%); hơn 410 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã. Có 3.712 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Như vậy, số ca phải nhập viện ở Hà Nội chỉ chiếm 0,8% tổng số ca dương tính đang điều trị, theo dõi trên toàn thành phố.
Ngoài ra, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi ở Hà Nội là 1.180.982 người.
Hôm qua (14/03), thành phố có 10 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 (từ ngày 27/04/2021 đến nay) là 1.271 người.
Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện nhiễm biến thể Omicron. Đáng chú ý, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết: Omicron là chủng có 36 đột biến trong protein gai, giúp vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người dẫn đến tốc độ lây lan nhanh.
Biến thể này gây ra các triệu chứng nhẹ nhưng nếu không kiểm soát được sẽ dẫn tới ca nhiễm tăng dễ dẫn tới quá tải cho các bệnh viện, hệ thống y tế, từ đó tăng ca tử vong. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt 5K vì 5K giúp cản trở lây nhiễm. Hiện vi rút chưa có biến đổi về đường lây, vẫn lây qua giọt bắn. Tại các địa phương dịch vốn đã rất căng thẳng, nếu phân tầng điều trị không thích hợp sẽ làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, Omicron có thể là một biến thể kết thúc của Covid-19. Có thể Omicron không gây tăng nặng như nhiều nghiên cứu dịch tễ đã chỉ ra nhưng với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay Omicron sẽ làm quá tải hệ thống y tế nếu không có cách tổ chức bài bản khoa học.
Nếu người bệnh đã nhiễm chủng Delta, vẫn có thể nhiễm chủng Omicron trong vòng 1-2 tháng. Muốn phân biệt nhiễm Delta hay Omicron, nhiễm biến thể phụ BA.1 hay BA.2 chỉ có cách giải trình tự gene để xác định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dù nhiễm Omicron hay Delta, người dân không nên chủ quan và sợ hãi cần bình tĩnh, uống thuốc theo các hướng dẫn chính thống từ Bộ Y tế, Sở Y tế.
Ngọc Khánh