Hà Nội lên tiếng giải thích việc đổi 700 ha đất lấy 5 con đường - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội đã đồng ý cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng 5 tuyến đường theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đổi lại, thành phố giao nhà đầu tư khoảng 700 ha đất đối ứng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.

Đây là các dự án đã được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND Thành phố Hà Nội báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

Nguyên nhân do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn nên từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng. Trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT.

Việc thực hiện các dự án BT của Hà Nội được khẳng định "đều tuân thủ các quy định tại Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án được các cơ quan chuyên môn của Hà Nội thẩm định kỹ; quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất…".

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, diện tích đất giao cho các dự án làm đường trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch và họ chỉ được khai thác một phần diện tích đất đó.

"Thực tế, bình quân nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất được giao để hoàn vốn cho công trình BT", văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết.

Trước đó, tại hội nghị về hợp tác và đầu tư năm 2018, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án về hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức BT.

Các dự án này gồm: Dự án đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai) có chiều dài hơn 2,6 km, mặt cắt 40 m, có tổng vốn đầu tư hơn 989 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ giao cho nhà đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai thác 20 ha đất tại quận Hoàng Mai.

Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 1.961 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ cho nhà đầu tư khai thác sáu khu đất có tổng diện tích 70,4 ha tại quận Hà Đông.

Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 1.373 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ giao nhà đầu tư khai thác 3 khu đất với tổng diện tích khoảng 54 ha tại hai quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng.

Dự án đường từ phố Lê Trọng Tấn - đường Vành đai III (quận Thanh Xuân) có chiều dài 2,85 km, mặt cắt 30 m, tổng vốn đầu tư 1.412 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ thanh toán cho nhà đầu tư là liên danh Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt khai thác quỹ đất 39,8 ha tại quận Nam Từ Liêm.

Theo giới chuyên gia, không nên áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó nếu ngân sách khó khăn có thể đem đấu giá đất. Sau đó dùng tiền đấu giá được để làm hạ tầng. Còn nếu đầu tư theo hình thức BT như cách đang thực hiện hiện nay không được minh bạch, có thể tạo ra nhiều hệ lụy.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều mai 26/6, Sở sẽ trả lời rõ các vấn đề này.

Bảo Ngọc (Theo vneconomy.vn)