THCLHôm nay (7/12), HĐND Thành phố Hà Nội dành trọn một ngày cho hoạt động chất vấn và tái chất vấn về các vấn đề "nóng" được các đại biểu và cử tri quan tâm.Tại phiên chất vấn
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho biết, qua tiếp xúc, thường trực HĐND Thành phố đã tiếp nhận 208 kiến nghị được cử tri quan tâm liên quan đến các vấn đề dân sinh bức xúc hoặc các vấn đề cử tri đã kiến nghị tại các kỳ họp trước. Thường trực HĐND đã tổng hợp gửi tới các cơ quan liên quan trả lời theo đúng quy định.
HĐND Thành phố dành thời gian để các đại biểu thực hiện tái chất vấn các vấn đề như cháy nổ, quản lý cấp phép quán karaoke, vi phạm quảng cáo tấm lớn...
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của phiên chất hôm nay, thường trực HĐND đã thống nhất trên cơ sở 69 câu hỏi chất vấn được gửi về trước kỳ họp, HĐND đã biên soạn sắp xếp thành 40 câu theo nhóm vấn đề (thành 2 nhóm vấn đề).
Nhóm vấn đề về quản lý đô thị sẽ lựa chọn vấn đề về trật tự xây dựng, đi sâu phân tích vi phạm trật tự xây, quản lý hè đường, giao thông, an ninh trật tự.
Nhóm vấn đề về an toàn thực phẩm sẽ lựa chọn vấn đề giải pháp, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, đi sâu vào giải pháp tạo nguồn thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô.
Về nhóm vấn đề kinh tế, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016 - đã được Thủ tướng Chính phủ, HĐND Thành phố giao, UBND Thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ thu - chi ngân sách năm 2016. Cụ thể là thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo nguồn thu ngân sách vững chắc; đôn đốc các khoản nộp ngân sách; kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, phát hiện kịp thời những trường hợp không đăng ký thuế để đưa vào quản lý; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận; đôn đốc, thu hồi giảm nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuế đất trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hà Nội hiện xếp thứ 24/63 tỉnh, tăng 2 bậc so với năm 2014. Mặc dù Hà Nội đã có một số cải tiến trong lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp..., nhưng việc cải thiện môi trường kinh doanh còn chậm so với yêu cầu.
Trong năm nay, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 30/5/2016, trong đó tập trung vào nhiệm vụ giải pháp phát huy các chỉ số có xếp hạng cao và các chỉ số mà Hà Nội có lợi thế, đồng thời khắc phục và cải thiện các chỉ số thấp như thái độ, trách nhiệm, tác phong làm việc... định kỳ đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để giải quyết vướng mắc, công khai thông tin trên website, rà soát công khai, minh bạch...
Trong nhóm vấn đề quản lý đô thị, về quy hoạch, ông Hùng khẳng định, UBND Thành phố đã nghiêm túc tổ chức thực hiện, chỉ đạo rà soát, lập và hoàn thiện các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đô thị. Đến thời điểm hiện nay, UBND Thành phố đã phê duyệt 26/35 đồ án Quy hoạch phân khu; 31/32 đồ án Quy hoạch chung huyện, thị trấn, đô thị vệ tinh. Các đồ án còn lại đang trong quá trình lập, thẩm định, trình duyệt. Về thi hành Luật Nhà ở, UBND Thành phố chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, nghị định của Chính phủ trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án, nội dung lập - thẩm định và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Về công tác di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, giáo dục, Hà Nội đã xem xét, giới thiệu địa điểm xây dựng và chấp thuận quy hoạch các cơ sở bệnh viện, giáo dục, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác di dời. Theo đó, tổng số các bệnh viện đã và đang thực hiện di dời đến nay là 8 cơ sở. Với các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, thành phố đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc với quy mô 279,5 ha.
Về di dời trụ sở các bộ, ngành, UBND Thành phố đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây tỷ lệ 1/500, trong đó dành khoảng 20 ha để bố trí quỹ đất trụ sở bộ, ngành Trung ương. Về công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, UBND Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Về nhóm vấn đề nước sạch, UBND Thành phố đã và đang chỉ đạo quyết liệt. Với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư, UBND Thành phố đã rà soát, điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế; tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường, đầu tư phát triển các hệ thống nước sạch, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh việc kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực nước sạch theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, đã có 20 nhà đầu tư đề xuất 28 dự án nước sạch với tổng mức vốn dự kiến 2.925 tỷ đồng, cấp nước cho 114 xã với dân số khoảng 548.240 người.
Về quy hoạch hệ thống cấp nước sạch, UBND Thành phố đang chỉ đạo rà soát, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về mô hình quản lý, kinh doanh nước sạch, trên địa bàn thành phố hiện có 4 đơn vị kinh doanh nước sạch cấp nước cho gần 50% dân số Thủ đô, chủ yếu là ở 10 quận nội thành và một số huyện, thị xã ven nội thành. Về giá kinh doanh nước sạch, giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố (từ thời điểm 1/10/2015), dao động từ 5.903 đồng/m3 (đối với 10 m3 đầu tiên) đến 15.929 đồng/m3 (đối với mức tiêu thụ trên 30 m3).
Đối với công tác PCCC, ông Hùng cho biết đây là vấn đề được thành phố quan tâm chỉ đạo, ngay tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2, Khóa XV HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã báo cáo, đồng thời quán triệt chỉ đạo các ngành liên quan. Cảnh sát PCCC tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PCCC, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC.
Đặc biệt, sau sự cố cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) tháng 11 vừa qua, UBND Thành phố đã có công văn giao Giám đốc Cảnh sát PCCC TP tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Đối với công tác PCCC tại các công trình chung cư cao tầng, UBND Thành phố đã tiếp thu và yêu cầu các đơn vị mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, đồng thời tham mưu để thành phố tháo gỡ những vướng mắc và xây dựng lộ trình khắc phục.
Về PCCC tại các khu đô thị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhạy cảm về cháy nổ, khu công nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2016, Cảnh sát PCCC TP đã tổ chức 4.599 lượt kiểm tra cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với 137 trường hợp.
Để tăng cường công tác tuyên truyền PCCC nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm cho người dân và các đơn vị, 100% các quận, huyện, thị đều ban hành chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về PCCC. Ngoài ra, UBND Thành phố còn chỉ đạo tổ chức hội thảo, hội thi nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, diễn tập các phương án lớn huy động nhiều lực lượng tham gia...
PV