Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2010 thế giới có khoảng 60,5 triệu người bị glôcôm, dự tính năm 2020 sẽ có 79,5 triệu và năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh này. Hiện nay, bệnh glôcôm đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ 2 gây mù trên thế giới.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bệnh viện mắt Trung ương cho biết, cả nước có 380.800 người mù 2 mắt, trong đó có 24.800 người mù do glôcôm (chiếm 65%, đứng thứ 2 sau bệnh đục thể thủy tinh: 66,1%). Ước tính nước ta hiện nay có khoảng 650.000 người mắc bệnh glôcôm.
Ảnh minh họa
Theo bác sỹ Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glôcôm, đặc biệt là các trường hợp như người hơn 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glôcôm, người có nhãn áp cao, bị tật khúc xạ, viễn thị, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì hoặc bị tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống...
Để hạn chế mù lòa do glôcôm và tiến tới mục tiêu của chương trình Thị giác 2020 “không còn mù lòa do glôcôm”, Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Glôcôm thế giới đã phát động tuần lễ glôcôm thế giới vào tháng 3 hầng năm với thông điệp: “Mỗi người cần được khám mắt định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện bệnh kịp thời” nhằm đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh glôcôm và các nguy cơ của bệnh.
Bệnh glôcôm là nhóm bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển cấp tính hoặc mãn tính, đặc trưng bởi sự chết dần các tế bào hạch võng mạc dẫn đến những biểu hiện tổn hại đầu dây thần kinh thị giác và thị trường. Hậu quả cuối cùng của glôcôm là mù loà vĩnh viễn không có khả năng hồi phục.
Những biểu hiện của bệnh glôcôm: Bệnh Thiên đầu thống; đau nhức mắt lan ra nửa đầu cùng bên; nhìn mờ, nhìn đèn có quầng; mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
Hằng Vương