Đó là 5 nhiệm vụ chủ yếu về hội nhập quốc tế mới được UBND TP. Hà Nội ban hành theo Kế hoạch số 128/KH-UBND về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc tồn tại trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa. Thực hiện công bố thông tin, công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước nhằm công khai minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước; từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Cầu Nhật Tân (Hà Nội). Nguồn ảnh: Internet
Cầu Nhật Tân (Hà Nội)

Thành phố sẽ tập trung phát triển thị trường tài chính - tiền tệ theo hướng bền vững, chất lượng, gắn với hội nhập; xây dựng và triển khai các cơ chế, hệ thống quản lý, các phương thức giao dịch hiện đại nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao tính pháp lý, giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch trên thị trường; tăng cường năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn gắn với xử lý nợ xấu, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và tổ chức kinh tế.

Đồng thời, thành phố phát triển thị trường lao động đồng bộ, thống nhất, hướng đến việc làm bền vững; phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh; tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Thành phố tiếp tục bảo đảm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Nghiên cứu tái cơ cấu thị trường bất động sản, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm bất động sản, nhất là nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời phù hợp với định hướng, chương trình phát triển đô thị của thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với tăng cường quản lý nhà nước về giá, ngăn chặn việc buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu…, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật tiên tiến phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Bảo Lâm