Trong thời gian qua, Hà Nội đã có những đầu tư nhất định trong kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm; quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân còn thấp. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... khiến tình trạng ô nhiễm môi trường và những hệ luỵ của nó thêm nặng nề. Chính vì vậy, UBND thành phố Hà Nội phải tối đa nguồn lực để cải thiện, hướng đến dứt điểm vấn đề này bằng việc tiến hành thực hiện cơ chế xã hội hoá nhằm góp phần bảo vệ và giữ gìn môi trường sống ở Thủ đô.
Xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội
Trong những năm qua, mặc dù Thành phố đã cố gắng triển khai nhiều giải pháp nhưng chưa đạt yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường, chính vì thế, Thành ủy phải có một Nghị quyết riêng để tập trung nguồn lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong vấn đề này.
Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất dự án tài trợ hệ thống 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho thành phố của Công ty CP TM và Truyền thông Vinasing. Theo đó, 1.000 nhà vệ sinh công cộng hiện đại, tiện ích sẽ thay thế những nhà vệ sinh được xây từ những năm 1990, xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tính đến nay, đã có gần 200 nhà vệ sinh công cộng do Vinasing đầu tư được lắp đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt và các khu vực tập trung đông dân cư. Nhà vệ sinh công cộng mới với trang thiết bị nhập khẩu, hiện đại: đèn điện sử dụng công nghệ cảm ứng với thời gian chờ 30 giây và tự động bật khi đến gần, hệ thống thông gió thông minh đã nhận được sự tán đồng rất lớn từ người dân thành phố. Ngoài ra hệ thống nhà vệ sinh công cộng còn tiện ích và thân thiện với nhu cầu sử dụng khi có phòng riêng biệt dành cho nam và nữ, đặc biệt các phòng đều có tay vịn phục vụ người khuyết tật. Chi phí cho 1 nhà vệ sinh dự kiến khoảng gần 200 triệu đồng.
Để đảm bảo kinh phí hoàn thành mục tiêu xây lắp 1.000 nhà vệ sinh công cộng và cây lọc nước, ghế gang; đồng thời thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành trong suốt quá trình hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng, tạo dựng môi trường sống tốt nhất cho người dân Thủ đô, UBND TP Hà Nội đồng ý cho Vinasing được quyền khai thác quảng cáo trên tất cả các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới tại địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian 10 năm. Đây là dự án được đánh giá rất tiềm năng, có sức hút và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những loại hình quảng cáo mới như: dịch vụ quảng cáo rong với nhân viên đeo màn hình Pixman 17 inch, màn hình LCD kích thước lớn tại các siêu thị và cao ốc. … tuy mới mẻ, hiện đại nhưng chi phí khá đắt đỏ và giới hạn người xem là một trong những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Chính vì vậy, trên thực tế những biển quảng cáo ngoài trời như pano, billboard… luôn được các thương hiệu trong và ngoài nước ưu tiên dành tiền đầu tư. Loại hình quảng cáo này có mặt trong hầu hết các chiến lược marketing dài hơi của các doanh nghiệp lớn. Với ưu điểm vượt trội, biển quảng cáo tấm lớn tại khu vực nội đô đông đúc, các tuyến phố chính, trung tâm thành phố lớn luôn được cho điểm cao nhất. Vì lẽ đó, hệ thống biển bảng quảng cáo do Vinasing được quyền khai thác được đặt ở các vị trí “vàng” của thủ đô, thực sự là “điểm nóng” thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, những thương hiệu tên tuổi trên thị trường.
PV