Đơn tố cáo của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA gửi các cơ quan báo chí
TH&CL nhận được đơn tố cáo của TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA (địa chỉ số 1 Đông Tác, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Trong đơn, ông Khanh trình bày:
“Trung tâm Khoa học & công nghệ tin học - xây dựng Hải Dương (thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA), được thành lập theo Quyết định số 1477/QĐ-UB ngày 11/9/1995 của UBND tỉnh Hải Dương.
Từ khi được thành lập, Trung tâm Khoa học & công nghệ tin học - xây dựng Hải Dương (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đã thực hiện nhiều đề tài khoa học, triển khai các khóa đào tạo tin học miễn phí cho các học viên tại tỉnh Hải Dương.
Trung tâm đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương ghi nhận, có nhiều thành tích đóng góp cho công tác xã hội hóa giáo dục, chăm sóc và nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Chính vì vậy, ngày 24/4/2002, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1680/Q-UB về việc giao 4.640 m2 đất tại các thửa 60 – 62, Tờ bản đồ số 11 (thuộc phường Thanh Bình, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Ngày 28/12/2002, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5629/QĐ-UB về việc Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trung tâm để xây dựng trụ sở và xưởng thực nghiệm; tại Tờ bản đồ số 11, phường Thanh Bình, TP. Hải Dương, mục đích sử dụng đất: lâu dài.
Để được phép xây dựng các công trình, Trung tâm đã tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Do vậy, ngày 26/7/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2916/QĐ-UB về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm.
Ngày 17/1/2005, Sở Xây dựng cấp Giấy phép số 01/GPXD cho Trung tâm được phép xây dựng công trình nhà ở cán bộ, công nhân viên.
Khu đất “vàng” cấp cho Trung tâm Khoa học & Công nghệ tin học - xây dựng Hải Dương phải bỏ hoang
Ngày 23/8/2006, Sở Xây dựng lại tiếp tục cấp Giấy phép xây dựng số 20/GPXD cho Trung tâm xây dựng công trình nhà xưởng thực hành và sản xuất; nhà đào tạo (Giấy phép có hiệu lực khởi công xây dựng, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp).
Sau khi nhận được Giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng, Trung tâm đã tiến hành đầu tư san lấp mặt bằng, xây tường bao; các công trình phụ trợ phục vụ công trình chính, xây dựng một số hạng mục công trình chính và thực hiện đầu tư xây dựng những hạng mục công trình tiếp theo. Công trình đã được đầu tư xây dựng, giá trị nhiều tỷ đồng, để phù hợp với quy hoạch cảnh quan kiến trúc đô thị TP. Hải Dương.
Tuy nhiên, không hiểu sao, Trung tâm đang trong lúc xây dựng Dự án xưởng thực nghiệm và trụ sở thì bỗng dưng nhận được Quyết định của UBND phường Thanh Bình và UBND TP. Hải Dương, yêu cầu ngừng thi công xây dựng các công trình, đang xây dựng trên mảnh đất nói trên. UBND phường Thanh Bình còn ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ các các công trình và cho rằng đây là công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Đồng thời, cùng thời gian đó (năm 2007) ông Ngô Văn Tuyên, Giám đốc Trung tâm đã thực hiện một số hành vi trái pháp luật, không tuân thủ theo Điều lệ của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, đã tự ý thỏa thuận nhận tiền; bàn giao tài liệu, đất đai, chứng từ tài chính cho Công ty Nam Cường, rồi bỏ trốn.
Trước sự việc trên, liên tiếp các năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2014, 2015 và 2017), Trung tâm cũng như Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, đã có nhiều đơn thư, văn bản gửi các cơ quan ban ngành tỉnh Hải Dương – khiếu nại về việc chính quyền TP. Hải Dương và phường Thanh Bình đã “vô cớ” đình chỉ xây dựng, tổ chức cưỡng chế, phá dỡ công trình đã xây dựng của Trung tâm và ông Ngô Văn Tuyên có hành vi lừa đảo bán đất trái pháp luật cho Công ty Nam Cường, nhưng không được chính quyền tỉnh Hải Dương giải quyết triệt để?
Trung tâm cũng có nhiều công văn gửi UBND tỉnh Hải Dương, Sở Xây dựng, UBND TP. Hải Dương, đề nghị cho phép Trung tâm được tiếp tục xây dựng, thực hiện dự án; nhưng đều “bặt vô âm tín”, không nhận được văn bản trả lời từ phía các cơ quan chức năng?
Chính vì vậy, dự án đã bị đình trệ, đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí… mục đích hoạt động nhân văn của Trung tâm là dạy nghề, giáo dục cho con em trên địa bàn tỉnh Hải Dương không thể thực hiện được”...
Cũng chính bắt nguồn từ sự việc trên, tại Kết luận Thanh tra số 429/KL-TNMT của Sở TN&MT Hải Dương, ngày 21/10/2008, đã nêu: “… Dự án xây dựng xưởng thực nghiệm và trụ sở Trung tâm Khoa học & công nghệ tin học - xây dựng Hải Dương, tại phường Thanh Bình, TP. Hải Dương chậm, đến nay hầu hết diện tích vẫn bỏ hoang, vi phạm Luật Đất đai… Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích 4.640 m2 đất mà năm 2002, UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm, để UBND TP. Hải Dương quản lý”.
Không hiểu nguyên nhân do đâu, đã trên một thập kỷ trôi qua mà khu đất “vàng” để lãng phí, các công trình xây dựng của Trung tâm còn trơ lại các móng nhà! Sự việc kéo dài mãi - vẫn không được các cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm và diện tích đất được giao Trung tâm, đang bị đề nghị thu hồi?
Diện tích đất này, nếu bị thu hồi, có đúng theo quy định của pháp luật?
Công ty Nam Cường có giao dịch, mua bán trái pháp luật 4.640 m2 đất của Trung tâm?...
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tuấn Minh