Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại xưởng may Nam Giang, xóm Ninh Giang, xã Hải Giang
Phó chủ tịch UBND xã Trần Quốc Khánh cho biết: “Là địa phương thuần nông, xã thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp, chuyển mục tiêu sản xuất từ sản lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị và bền vững. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế đa ngành, đa nghề, tận dụng tối đa lợi thế về lao động đã qua đào tạo để nâng cao thu nhập của người dân”.
Thực hiện chủ trương trên, xã đã tập trung, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; chỉ đạo các hợp tác xã, các tổ chức chính trị - xã hội vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang thâm canh, hình thành những vùng sản xuất tập trung gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm; tập trung làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến nông dân gắn với thực hiện có hiệu quả các mô hình thí điểm sản xuất làng nghề, ngành nghề mới có giá trị kinh tế cao.
Với diện tích hơn 257 ha đất trồng lúa, xã đã quy hoạch thành 3 vùng chuyên canh, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 70%. Bên cạnh đó, xã đã xây dựng làng nghề trồng cây dược liệu đinh lăng kết hợp trồng màu ở các xóm Mỹ Thọ 1, 2 và làng nghề trồng hoa cây cảnh xóm Ninh Đông. Ngoài ra, với hơn 27 ha diện tích vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ tại các xóm Mỹ Tiến, Mỹ Thọ 2 và Mỹ Thuận, xã đã tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển nuôi cá vược, cá trắm đen, nuôi rạm; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Địa phương tích cực hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó, năng suất lúa bình quân hàng năm của Hải Giang luôn đạt từ 125 tạ/ha trở lên. Hiện xã đã triển khai thí điểm trồng hơn 50 ha lúa giống ST25, ST24 Sóc Trăng để từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị lúa gạo, hướng tới sản xuất liên kết theo chuỗi an toàn, bền vững. Mô hình nuôi trồng thủy sản các loại kết hợp với nuôi vịt thịt, vịt đẻ, trồng cây ăn quả, của các nông dân Nguyễn Văn Toán, Phạm Văn Chiến, Đỗ Văn Hạnh..., cho thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Hiện tổng đàn lợn của toàn xã có 3.100 con, gia cầm 20.000 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 140 tấn. Trên địa bàn xã, đã hình thành 2 trang trại nuôi lợn công nghiệp với quy mô hơn 1.000 con lợn trở lên đó là trang trại của anh Lâm Văn Kỳ, xóm Ninh Giang và anh Trần Quý Phi, xóm Mỹ Thuận.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình OCOP (“Mỗi xã một sản phẩm”), năm 2020, sản phẩm miến dong Châm Gà của HTX Kinh doanh dịch vụ Liên Minh đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng tại gia đình anh Phạm Thế Thành, xóm Ninh Giang, xã Hải Giang
Đặc biệt, mô hình nuôi lươn không bùn tiếp tục được mở rộng nhờ hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, an toàn, ít dịch bệnh. Toàn xã hiện có 15 hộ nuôi nằm rải rác ở các xóm Ninh Giang, Mỹ Đức; nhiều hộ nuôi đã có thu nhập cao như gia đình anh Vũ Đình Như, anh Vũ Văn Phụng, xóm Mỹ Đức, anh Phạm Thế Thành, xóm Ninh Giang…
Anh Phạm Thế Thành, xóm Ninh Giang cho biết: “Năm nay là năm thứ 4, gia đình tôi nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. Hiện gia đình có 22 bể xi măng, mỗi bể 6 m2 nuôi thả hơn 5 vạn giống”.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi lươn, anh Thành cho biết, đáy bể nuôi được lát gạch men giúp đảm bảo trơn, nhẵn, hạn chế lươn bị xây xát. Bể có độ dốc 5 cm, thành cao 50 cm, có hệ thống cấp và thoát nước ra bên ngoài để thuận tiện trong việc thay nước liên tục.
Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn, ruộng, mương, đồng cỏ… nên trong bể, anh Thành thường thả các giá thể bằng dây ni lông đen để tạo nơi trú ẩn cho lươn; duy trì nhiệt độ 29 - 30 độ C, thích hợp để lươn sinh trưởng. Mỗi ngày, anh thực hiện thay nước 1 - 2 lần, tuân thủ nguyên tắc “đúng giờ, đúng lượng”; thay nước xong từ 1 - 2 tiếng, thì cho lươn ăn, bởi lươn rất nhạy cảm với môi trường, dễ bị sốc nước.
Ngoài ra, từ 7 - 10 ngày, phải vệ sinh bể nuôi bằng chế phẩm vi sinh và bổ sung các loại vitamin khoáng chất để lươn tránh được các bệnh từ ô nhiễm môi trường ao nuôi như tuột nhớt, rối loạn tiêu hóa, nấm hay xuất huyết dưới da...
Thức ăn được lựa chọn là thức ăn công nghiệp, có độ đạm cao. Bình quân lươn nuôi trong vòng 10 - 12 tháng có thể xuất bán với trọng lượng từ 2,5 - 3 lạng/con.
Dự kiến với 22 bể nuôi, gia đình anh Thành có thể thu hoạch luân phiên được hơn 10 tấn lươn, trừ chi phí, thu về được hơn 100 triệu đồng mỗi năm...
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã cũng khuyến khích các hộ gia đình đầu tư phát triển ngành nghề phụ nâng cao thu nhập như hộ gia đình anh Vũ Văn Khương, xóm Mỹ Hòa với nghề làm chổi chít, mỗi ngày làm được trên 500 chiếc chổi, với giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về 120 triệu đồng. Ngoài 4 lao động chính của gia đình có việc làm ổn định, cơ sở sản xuất của gia đình anh còn tạo việc làm cho trên 20 lao động.
Nghề may công nghiệp với 5 xưởng may, thu hút hơn 300 lao động tại chỗ và hơn 400 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, nghề xây dựng cơ bản vẫn được duy trì, thu hút trên 200 lao động, thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Anh Vũ Văn Chiều, chủ cơ sở sản xuất may mặc Nam Giang, xóm Ninh Giang, cho biết: “Qua hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19, đến nay, xưởng đã cơ bản phục hồi sản xuất ổn định với 150 lao động và tiếp tục mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động mới. Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất được hơn 30.000 sản phẩm hàng áo thu đông cho thị trường xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…”...
Thời gian tới, để kinh tế tiếp tục tăng trưởng phát triển bền vững, xã tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn:
Theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch an toàn thực phẩm; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; rà soát, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây dược liệu…;
Tiếp tục tạo điều kiện quy hoạch phát triển các làng nghề, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm mới gắn với đào tạo nghề.
Với kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, đã và đang tạo tiền đề thuận lợi để Hải Giang phấn đấu đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng.
Xã Hải Giang tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã đề ra; tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Theo Báo Điện tử Nam Định