Có 02 nội dung rất quan trọng và nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả, đó là: Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023; dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội.
UBND thành phố Hà Nội là đơn vị chủ trì soạn thảo 02 nghị quyết trên, cho biết, theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, các địa phương phải quy định mức học phí trong khung quy định. Theo đó, mức thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ cao hơn mức thu học phí của Hà Nội năm học 2021-2022.
Dịch Covid-19, hiện tại, về cơ bản đã được kiểm soát, kinh tế Thủ đô đang từng bước phục hồi, song đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm giảm tác động do việc điều chỉnh học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh và để bảo đảm an sinh xã hội, UBND thành phố dự kiến đề xuất học phí học sinh phải đóng thực tế năm học 2022-2023 giữ nguyên như mức năm học 2021-2022 (gồm cả việc hỗ trợ 50% học phí). Tổng mức ngân sách thành phố hỗ trợ năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND thành phố dự kiến đề xuất cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của Thủ đô năm học 2022-2023 với kinh phí ngân sách hỗ trợ khoảng hơn 17 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội nhằm động viên kịp thời đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong ngành Y tế. Theo đó, các mức hỗ trợ được đề xuất theo mức độ công việc và cho từng vị trí trực tiếp làm chuyên môn y tế và không trực tiếp làm chuyên môn y tế, gồm: Mức 1 là 10 triệu đồng/người; mức 2 là 7 triệu đồng/người; mức 3 là 5 triệu đồng/người. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là 257,859 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận, các chính sách trên thể hiện sự quan tâm của thành phố Hà Nội đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế; kịp thời chia sẻ khó khăn đối với người dân trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như ngành Y tế Thủ đô sau nhiều nỗ lực cố gắng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân thời gian qua.
Nhưng, Vấn đề nằm ở chỗ, sau khi chủ trương được phê chuẩn thì sách nhân văn đi vào cuộc sống chính là đúng đối tượng thụ hưởng. Do đó, các đơn vị, địa phương trong phạm vi trách nhiệm được giao cần phải lên danh sách, thẩm tra cụ thể từng đối tượng thụ hưởng, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.
Thêm vào đó, cần tăng cường sự giám sát của nhân dân thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong quá trình thực hiện.Nhằm tránh hiện tượng hỗ trợ sai đối tượng, dẫn tới việc chính sách nhân văn không đạt kết quả như mong đợi, mất đi ý nghĩa tốt đẹp của chính sách đăng rất đượcquan tâm.
Linh Tuệ