Theo nguồn tin của Thương hiệu và Công luận, đầu tháng 7/2023 vừa qua, chị N.T.L, trú tại phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi và tin nhắn từ nhiều số điện thoại lạ thông báo về khoản nợ của một người làm cùng công ty cũ của chị quá hạn thanh toán. Chị L đã nhiều lần giải thích cặn kẽ về việc không liên quan đến việc vay tiền trên và chặn số gọi, tin nhắn. Tuy nhiên các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau liên tục gọi điện thoại của chị không kể thời gian ngày đêm. Các đối tượng còn truy tìm tài khoản Facebook của chị để uy hiếp và tạo sức ép, dọa sẽ “động thủ” nếu chị không dục người kia trả tiền. Do lâu ngày không gặp, chị không rõ người kia hiện làm ở đâu và không còn liên lạc.
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Hải Phòng cũng xảy ra nhiều vụ việc người dân bị đe dọa, uy hiếp khi đòi nợ. Điển hình, ngày 3/6, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự và bị can đối với Nguyễn Sao Nam, Trần Văn Đức, Nguyễn Thế Kiên cùng ở quận Ngô Quyền, Mai Đức Mạnh ở quận Lê Chân về tội gây rối trật tự công cộng. Trước đó, các bị can bị khởi tố, điều tra về tội cho vay nặng lãi. Theo đó, từ năm 2021, bà N.T.T. ở phố Cầu Đất (quận Ngô Quyền) có vay của Nam nhiều lần tổng cộng là hơn 500 triệu đồng. Các khoản vay đều được Nam đưa ra mức lãi suất từ 1 nghìn đến 10 nghìn đồng/1 triệu/ngày. Bà T. đóng tiền lãi các khoản vay liên tục cho đến tháng 12/2022 thì không còn khả năng chi trả. Từ đó, Nam thường xuyên đến cửa hiệu bánh của bà T. ở phố Cầu Đất hoặc gọi điện thoại chửi bới, đe dọa, gây áp lực nhằm đòi tiền gốc và lãi. Đỉnh điểm là vào các ngày 15 và 24/2, Nam cho Kiên, Mạnh sử dụng xe máy cá nhân chở Đức ném chất bẩn vào cửa hàng bánh của bà T. Hành vi này không những làm mất trật tự của tuyến phố Cầu Đất mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng tới tinh thần bà T. và những người dân sống chung quanh.
Từ những vụ việc nêu trên, vào cuối tháng 4/2023, trên trang web của Công an TP. Hải Phòng đăng nội dung khuyến cáo nêu người dân bị gọi điện thoại, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền nên trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…
Theo trung tá Phạm Ngọc Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Ngô Quyền: Quan hệ vay tiền là quan hệ dân sự. Nên người cho vay khi đòi nợ cần theo nguyên tắc thỏa thuận, bình đẳng, không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp tinh thần và không chiếm giữ tài sản, bắt giữ người vay. Nếu đến thời hạn vay mà người vay không trả thì người cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án nơi người vay tiền cư trú để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp có căn cứ chứng minh có yếu tố hình sự như người vay cố tình không trả mặc dù có điều kiện, người vay đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, hay người vay bỏ trốn…, bên cho vay có thể làm đơn tố giác tội phạm về hành vi của người vay về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Luật Đầu tư năm 2020 quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, người thực hiện đòi nợ thuê sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hoạt động đòi nợ thuê.
Kim Huệ