Họp báo thông tin về Hội nghị
Họp báo thông tin về Hội nghị

Đây là Hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của WCO, với chủ đề của năm 2023 là “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”.

Thông qua các gian triển lãm và các phiên thảo luận, trao đổi kinh nghiệm tại Hội nghị, đại biểu tham dự Hội nghị sẽ có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận, cập nhật xu hướng phát triển trong lĩnh vực công nghệ, các giải pháp quản lý hải quan hỗ trợ bởi công nghệ một cách sinh động và trực tiếp. Qua đó, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan trong việc tìm kiếm các giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực và hiện đại hóa cơ quan hải quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, đại biểu quốc tế gồm có: Lãnh đạo Cơ quan Hải quan các nước thành viên WCO; đại diện các tổ chức quốc tế; đại diện các cơ quan quản lý biên giới của các nước thành viên; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu; doanh nghiệp thương mại quốc tế; các học giả, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hải quan và công nghệ trong lĩnh vực hải quan.

Đại biểu trong nước có: Đại diện các Bộ/Ngành gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP. Hà Nội, Đại sứ quán của các nước tại Hà Nội; các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và cung cấp giải pháp công nghệ liên quan tới hải quan và thương mại quốc tế trong đó có một số doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ Vinfast, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần FPT, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty cổ phần Hệ thống Công nghệ (ETC)…

Sự kiện sẽ có 2 phần gồm: Hội nghị và Triển lãm.

Các chiến lược công nghệ và ứng dụng để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu

Hội nghị được chia thành 10 phiên toàn thể và 03 phiên hội thảo chuyên đề về các chiến lược công nghệ và ứng dụng để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu, xây dựng hệ thống hải quan có khả năng thích ứng như an ninh mạng, phục hồi sau thảm họa và đảm bảo tính liên tục của hoạt động hải quan trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cơ quan hải quan trong khai thác dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro và tạo thuận lợi thương mại, công nghệ chuỗi khối hỗ trợ hoạt động hải quan, các công nghệ mới trong soi chiếu hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan, công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong kỷ nguyên số, Hải quan xanh vì tương lai bền vững, thúc đẩy hoạt động hải quan với thiết bị bay không người lái và rô-bốt, thúc đẩy đổi mới…

Các phiên toàn thể cụ thể như sau:

Phiên 1: Chiến lược phía sau Công nghệ: Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu.

Phiên 2: Xây dựng Hệ thống Hải quan có khả năng thích ứng: An ninh mạng, phục hồi sau thảm họa và xây dựng kế hoạch đảm bảo tính liên tục của hoạt động hải quan trong kỷ nguyên số

Phiên 3: Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ Cơ quan Hải quan: Khai thác Dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động Quản lý rủi ro và Tạo thuận lợi thương mại

Phiên 4: Tăng cường sự tin cậy và Chất lượng dữ liệu: Công nghệ chuỗi khối có thể hỗ trợ hoạt động hải quan như thế nào

Phiên 5: Công nghệ mới trong soi chiếu hàng hóa: Tận dụng Đổi mới để Nâng cao Hiệu quả Kiểm soát Hải quan

Phiên 6: Công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong kỷ nguyên số: Các bài học thành công

Phiên 7: Đón đầu kỷ nguyên số: Hỗ trợ cơ hội phát triển cho tất cả các bên thông qua thương mại điện tử an toàn và bền vững

Phiên 8: Thúc đẩy đổi mới thông qua hợp tác

Phiên 9: Mở rộng quy mô để đạt hiệu quả trong tạo thuận lợi thương mại, an toàn và an ninh

Phiên 10: Tương lai Hải quan: Thay đổi nơi làm việc bằng việc ứng dụng dữ liệu và công nghệ

Các phiên thảo luận chuyên đề hướng đến các nội dung sau: Ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo, hải quan xanh, giải pháp kiểm soát hải quan thông minh, bình đẳng giới, bảo vệ dữ liệu, trao đổi dữ liệu.

Bên cạnh các Phiên toàn thể và Phiên chuyên đề, Hội nghị cũng sẽ bố trí các cuộc trò chuyện về công nghệ từ các chuyên gia (Tech Talks). Các cuộc trò chuyện về công nghệ này không được thiết kế một cách có tổ chức như Phiên toàn thể hay Phiên chuyên đề mà được sắp xếp diễn ra tại một góc đặc biệt trong khu vực triển lãm, thời lượng của mỗi cuộc sẽ trong khoảng 10 phút, không có chủ đề chung và các diễn giả có thể nói về bất kỳ chủ đề công nghệ nào theo lựa chọn của mình.

Các gian triển lãm giới thiệu các công nghệ mới liên quan tới lĩnh vực hải quan

Về triển lãm: Hội nghị có khoảng 50 gian triển lãm của các doanh nghiệp tài trợ cho Hội nghị và các doanh nghiệp công nghệ trên toàn cầu. Nhà tài trợ của Triển lãm được xếp hạng theo thứ tự: Nhà tài trợ chính (S2 Global); Nhà tài trợ Bạch kim (Accenture, Leidos, Webb Fontaine, Microsoft); Nhà tài trợ Vàng (Cargo X, Cargoes, Crimson Logic, GTS, GUUD International; Nexyte, NucTech, Publican, Rapiscan, Smiths Detection); Nhà tài trợ bạc (Counter Check, Geodis, Net Company).

Các gian triển lãm sẽ giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan gồm các giải pháp công nghệ và hỗ trợ hoạt động của cơ quan hải quan, thúc đẩy thu thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ quan hải quan, chuyển đổi số, các giải pháp về an ninh, chống buôn lậu và gian lận thương mại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hiện đại hóa và phát triển thương mại; giải pháp chuỗi khối trong vận tải, sản xuất, tài chính, thương mại, năng lượng, dịch vụ; quản lý rủi ro, tăng cường tuân thủ; ứng dụng công nghệ trong tạo thuận lợi thương mại và tuân thủ, hoạt động của cảng, dịch vụ công, vận tải; cơ chế một cửa; quản lý rủi ro và tạo thuận lợi; ứng dụng khoa học dữ liệu; các giải pháp về an ninh và kiểm tra, soi chiếu, giao nhận, vận tải, giám sát hàng hóa qua biên giới; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích thông tin hàng hóa đến trước, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn hàng giả; thiết bị phòng thí nghiệm cầm tay; giải pháp phần mềm về nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng; giải pháp ứng dụng các công nghệ mới nổi; các thiết bị phát hiện phóng xạ…

Với các lĩnh vực hoạt động, dịch vụ đa dạng và phong phú của các doanh nghiệp tham dự Triển lãm, các đại biểu tham dự Hội nghị từ các Cơ quan hải quan thành viên của WCO sẽ có cơ hội được trực tiếp trao đổi, tìm hiểu về các giải pháp về công nghệ cũng như các trang thiết bị tiên tiến từ các nhà cung cấp, nhằm ứng dụng vào hoạt động quản lý của cơ quan hải quan nói riêng cũng như thương mại và vận tải quốc tế nói chung.

Ở phần Triển lãm, Hải quan Việt Nam sẽ bố trí không gian triển lãm giới thiệu về lịch sử phát triển, các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam, các thành tựu đạt được trong công tác kiểm soát hải quan và tạo thuận lợi thương mại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều ý nghĩa từ việc đăng cai tổ chức Hội nghị

Đối với Việt Nam: Sự kiện là dịp để Việt Nam thể hiện quyết tâm chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại hướng tới chính phủ điện tử, chính phủ số như tinh thần của Chính phủ tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/06/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030).

Trong bối cảnh như vậy, việc đăng cai tổ chức một Hội nghị có tính chất toàn cầu về ứng dụng công nghệ mới nổi, mà trọng tâm là chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, máy học, internet vạn vật… mang tính thời sự và phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam trong “ngoại giao công nghệ” nhằm học tập kinh nghiệm quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, Hội nghị cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế trên toàn thế giới về truyền thống văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh, các địa điểm thăm quan du lịch của Thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tổng cục Hải quan đã trao đổi với WCO để bố trí một gian hàng giới thiệu về truyền thống văn hóa, danh lam thắng cảnh và các địa điểm du lịch của Hà Nội và Việt Nam do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp thực hiện.

Đối với Hải quan Việt Nam: Đây là một sự kiện có qui mô toàn cầu nổi bật thường niên của WCO. Với vai trò là thành viên tích cực tại tổ chức đa phương, việc Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện sẽ khẳng định sự tiên phong và trách nhiệm của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ WCO. Đây cũng là lần đầu tiên Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện toàn cầu của WCO có qui mô lớn với sự tham dự của Lãnh đạo WCO và Lãnh đạo Tổng cục Hải quan các nước, cũng như các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tham dự triển lãm.

Trong lĩnh vực hải quan, yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/05/2022 với mục tiêu cơ bản hoàn thành hải quan số hải quan thông minh thì việc tiếp cận với công nghệ mới nhất cũng như các thông lệ và bài học kinh nghiệm của Hải quan các nước tại Hội nghị sẽ giúp cho Hải quan Việt Nam có được hướng đi phù hợp trong xu hướng phát triển công nghệ nhanh chóng như hiện nay

Hội nghị cũng là cơ hội để Hải quan Việt Nam giới thiệu về các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam. Việc đăng cai Hội nghị cũng sẽ mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam: Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới kết nối với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trên toàn cầu.

Đóng góp của Hải quan Việt Nam tại Phần Hội nghị:

Hải quan Việt Nam sẽ có các phần trình bày, điều phối tại Hội nghị. Cụ thể Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn sẽ tham gia với tư cách khách mời tại Phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị dưới hình thức tọa đàm về chủ đề “Chiến lược phía sau công nghệ: Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức toàn cầu”. Tham gia phiên tọa đàm còn có các đại biểu cấp cao từ các tổ chức quốc tế gồm Tổng Thư ký WCO, Chủ tịch Hội đồng WCO, Chuyên gia cấp cao về Tạo thuận lợi thương mại của Ngân hàng Thế giới.

Tại buổi tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ trao đổi về các vấn đề cụ thể như: vai trò của công nghệ trong chia sẻ kiến thức và làm cho nghề hải quan trở nên thu hút đối với thế hệ trẻ; các yếu tố chính cần cân nhắc khi sử dụng công nghệ và những lĩnh vực còn tồn tại khoảng cách nhất định; quản trị dữ liệu trong Hải quan và thương mại quốc tế và cách thức xây dựng mô hình hoạt động giúp thu thập và khai thác được dữ liệu từ toàn bộ hệ sinh thái thương mại với sự trợ giúp của công nghệ; các cách tiếp cận mang tính chiến lược khác nhau đối với việc đổi mới và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan nhằm khai thác sức mạnh của công nghệ để ứng phó với các thách thức mới nổi của thương mại toàn cầu; và cách thức thúc đẩy về yếu tố con người để xử lý các vấn đề công nghệ, đảm bảo tính bền vững và quản trị tốt trong quá trình áp dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam cũng có đại diện tham gia làm diễn giả trình bày tại Hội nghị về việc “Triển khai Cơ chế một cửa ASEAN”, tập trung vào các nội dung chính như: giới thiệu về Cơ chế một cửa ASEAN, quá trình phát triển, lợi ích của Cơ chế một cửa khu vực so với Cơ chế một cửa quốc gia; các lợi ích chính của các chức năng hiện tại của Cơ chế một cửa ASEAN; cách thức Cơ chế một cửa ASEAN giải quyết các vấn đề liên quan đến hài hòa hóa và tiêu chuẩn hóa dữ liệu và đảm bảo tuân thủ với các yêu cầu quốc gia khác nhau; và các kế hoạch triển khai trong tương lai của Cơ chế một cửa ASEAN. 

Ngoài ra, Hải quan Việt Nam cũng sẽ tham gia làm điều phối, dẫn dắt Phiên thảo luận chuyên đề về “Hải quan Xanh vì tương lai bền vững: Các giải pháp đổi mới dành cho quản lý thương mại và quản lý biên giới”, trong đó đặt ra các vấn đề về kinh tế xanh như logistics xanh, sử dụng bao bì bền vững, chuỗi cung ứng tuần hoàn; các giải pháp để tăng cường hiệu quả kiểm soát về tuân thủ môi trường, ngăn chặn các lô hàng phế liệu; và các giải pháp giảm lượng khí thải carbon trong hoạt động Hải quan.

 Minh Anh