Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất phương án mở cửa đón khách tham quan di tích Hải Vân Quan.
Dự kiến, ngày 1/8, di tích Hải Vân Quan sẽ bắt đầu đón khách tham quan và miễn phí cho người dân, du khách cho đến khi thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, dù hoàn thành việc tu bổ, sẵn sàng đón khách tham quan nhưng di tích Hải Vân Quan hiện gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành phục vụ du lịch. Di tích vẫn còn thiếu hạ tầng du lịch như bãi đỗ xe, điểm bán vé, nơi làm việc của hướng dẫn viên và bảo vệ... Ngoài ra, do nằm ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Di tích ở vị trí hiểm trở, sóng điện thoại, internet còn hạn chế, nhân lực mỏng khó khăn cho việc quản lý.
Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Trước mắt giai đoạn đầu chưa có phương án giá vé nên tạm thời miễn phí cho du khách vào tham quan. Từ 1/8 bắt đầu miễn phí, dự kiến đến đầu năm 2025 phương án thu vé phải được 2 địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng thông qua. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang thuê 6 hợp đồng lao động để tạm thời gìn giữ, bảo quản phục vụ khách”.
Như Thương hiệu & Công luận đã đưa tin, trước đó, ngày 19/12/2021, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%, thời gian thực hiện dự án trong 2 năm.
Một thời hoang tàn “đệ nhất hùng quan”
Được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” nhưng Hải Vân Quan ngày càng xuống cấp bởi không được trùng tu, tôn tạo, gây nên cảnh lộn xộn, nhếch nhác.
Từ khi các chúa Nguyễn làm chủ xứ Đàng Trong, rồi những cuộc nội chiến giữa nhà Trịnh và Tây Sơn, giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh thì đèo Hải Vân luôn giữ một vị trí trọng yếu để các lực lượng làm nơi phòng thủ cũng như làm bàn đạp cho những cuộc tiến công. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, ngay từ thời Gia Long (1802 - 1820), triều đình nhà Nguyễn đã cho đặt 04 dịch trạm tại huyện Phú Lộc và sửa đường lên đèo Hải Vân.
Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), nhà vua đã khuyến khích người dân sinh sống ở vùng núi non hiểm trở này, đồng thời cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân. Sau khi hoàn tất công việc xây dựng Hải Vân Quan, triều Nguyễn tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích dân cư đến sinh sống từ chân núi đến đỉnh đèo và dựng đền thờ thần núi Hải Vân.
Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự biến đổi của lịch sử, Hải Vân Quan cũng dần mất vai trò quan trọng với triều đình Huế. Giai đoạn từ 1886 - 1918, khi con đường thuộc địa số 1 vượt đèo Hải Vân được người Pháp tiến hành khai mở và lưu thông, Hải Vân Quan đã mất đi vai trò và chức năng của cửa ải phòng thủ phía nam Kinh đô Huế. Trải qua bao trận mưa bom, bão đạn, ngày nay Hải Vân Quan đã bị xuống cấp, hoang tàn, những dấu vết kiến trúc còn lại là sự pha trộn của các giai đoạn xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1826) đến thời Pháp - Mỹ (1946 - 1975). Trong đó, nhiều đơn nguyên kiến trúc đã bị phá hủy, vùi lấp hoặc cải tạo, xây mới, làm thay đổi kết cấu.
Với diện tích gần 900m2 khai đào tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn, như: Bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố. Hoạt động khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây. Đây là những cứ liệu khoa học quan trọng phục vụ hiệu quả cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Đối với dấu tích của cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan, kết quả khai quật ở độ sâu 1,4m, mọi dấu tích đã được làm xuất lộ. Qua đó, xác định được chân móng của cổng cũng được bó đá Thanh hình khối hộp chữ nhật giống với cổng Hải Vân Quan. Kích thước cổng rộng toàn bộ 7,9m, cao 6,52m, dày 4,79m; vòm cổng rộng 3,47m, cao 4,55m. Nền cổng lát đá sa thạch, mép ngoài bó vỉa bằng hàng gạch vồ dựng nghiêng, tiếp đến là lớp đá dăm nhỏ đầm chắc với vôi hàu. Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9m, dài 7,1m được đầm chặt bằng đất cát và đá núi loại nhỏ, mặt sân nề bằng vữa hàu truyền thống (dày 0,2m). Nền sân này đã trải quan nhiều giai đoạn cải tạo, bồi đắp.
Phía trước nền sân là lối đi của đường thiên lý từ Kinh đô Huế vào cổng thiên hạ đệ nhất hùng quan. Lối đi này rộng 4,8m, chạy men theo hướng đông bắc lên sườn núi phía tây của ngọn Hải Vân Sơn. Ban đầu, hai bên lối đi chỉ tạo thành vách ta - luy, nhưng có thể do bị sạt lở sau các trận mưa bão nên đã được kè đắp bằng đá núi để chống xói lở và đảm bảo an toàn cho người đi đường. Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích đường thiên lý từ Kinh đô Huế về Hải Vân Quan qua cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Đường thiên lý rộng từ 2,6m đến 2,8m, men theo sườn núi. Tại đây còn có dấu vết của một trạm gác với bó móng được xếp bằng đá núi.
Với vai trò là một lũy thành phòng thủ, kiểm soát an ninh qua lại trên đường thiên lý Bắc - Nam cũng như các tàu thuyền trên biển, từ cổng Hải Vân Quan đến Thiên hạ đệ nhất hùng quan được xây dựng một hệ thống tường thành khép kín, bao bọc toàn bộ khu di tích. Những dấu tích hiện còn ngày nay cho thấy, với chiều rộng hơn 1m, được xếp đá ngay ngắn đã làm cho nhiều người ngộ nhận là hệ thống tường thành ở đây còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, thám sát và khai quật, kết quả khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết nền móng tường thành cũ, cho thấy quy mô của tường thành xây dựng thời Nguyễn có phạm vi phân bố rộng hơn hệ thống tường thành hiện nay. Tường thành được xây theo kết cấu “thượng thu hạ thách”, chân móng rộng 2,2m, thân tường rộng 1,9m, cao 2,3m - 2,4m được xếp bằng đá núi, khít mạch.
Trong khoảng thời gian từ 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đồn trú tại di tích Hải Vân Quan đã xây dựng mới tại đây hệ thống nhà ở, đồn bốt, lô cốt, công sự, ụ súng... làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích. Trong đó rõ nhất là tại cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đã bị xây mới thêm phần kiến trúc trần bê tông phía trên để mở rộng tầm kiểm soát.
Ngoài ra, quân đội Mỹ đã xây thêm 5 chiếc lô cốt tại các vị trí xung yếu để bảo vệ cứ điểm này. Do vậy, dấu vết về di tích Hải Vân Quan hiện hữu trên mặt đất ngày nay, ngoài hai cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất quan còn lại từ thời Nguyễn (năm 1826), thì chủ yếu là những dấu tích xây dựng mới hoặc được cải tạo trong giai đoạn 1946 - 1975.
Di tích Hải Vân quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia tại Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/04/2017.
Hoàng Hữu Quyết