Cây dâu da đỏ là cây dâu rừng hay còn gọi là cây dâu da đất, cây dâu đất, cây dâu da, người dân địa phương gọi là “cây chua” vì quả có vị chua đặc trưng, có nơi còn gọi là cây đỏ vì quả màu đỏ tươi rất đẹp. Đây là một loại trái cây rừng có vị chua, ngọt được người dân mang về trồng và cải tạo để giảm độ chua, tăng độ ngọt.

Quả dâu da đỏ mọc thành từng chùm đỏ rực trên thân cây hút mắt du kháchQuả dâu da đỏ mọc thành từng chùm đỏ rực trên thân cây hút mắt du khách

Dâu da đỏ được người dân thôn An Điền Bắc, xã Cửu An mang từ rừng về trồng trong vườn nhà từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vào tháng 8, tháng 9 hàng năm, khi dâu da bước vào thời kỳ thu hoạch, quả chuyển hẳn sang màu đỏ phủ kín từ gốc đến các cành nhánh, rất bắt mắt. Thời gian này, người dân sẽ đổ về thôn An Điền Bắc để chiêm ngưỡng và thưởng thức những trái dâu da đỏ rực, chín mọng. 

Đội cồng chiêng nhí biểu diễn khai mạc lễ hộiĐội cồng chiêng nhí biểu diễn khai mạc lễ hội

Tuy đây là năm đầu tiên xã Cửu An tổ chức Lễ hội dâu da đỏ Cửu An-Tây Sơn nhị An Khê 2019, nhưng khâu tổ chức được chuẩn bị hết sức chu đáo kỹ lưỡng, các hoạt động của lễ hội cũng phong phú đa dạng. Song song với hoạt động hướng dẫn du khách đến tham quan các vườn dâu da đỏ, còn nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, múa võ cổ truyền, biểu diễn cồng chiêng tại Trường Tiểu học Đỗ Trạc.

Trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn An Điền Bắc (cách các vườn dâu khoảng 200 m) là nơi diễn ra Phiên chợ quê với hơn 10 gian hàng trưng bày giới thiệu và bán các loại nông sản của địa phương gồm: gạo đồng, bánh tráng, bún khô, trứng vịt chạy đồng, gà thả vườn, cá đồng và một số loại trái cây như mít, thanh long… Hoạt động này nhằm tái hiện cảnh trao đổi hàng hóa, giao thương giữa người dân vùng Tây Sơn Hạ đạo với Tây Sơn Thượng đạo thời xa xưa.

Mua bán tấp nập tại Phiên chợ quêMua bán tấp nập tại Phiên chợ quê

Lế hội diễn ra vào ngay dịp nghỉ lễ 2/9 nên ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đã đổ về thôn An Điền Bắc để chờ đón và tham dự lễ hội.

Tình cờ đến công tác vào đúng dịp lễ hội, anh Lưu Hồng Sơn (hiện đang công tác tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ TP Hồ Chí Minh) chia sẻ:

“Hiện nay tôi đang làm một số công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của An Khê, đến làm việc vào đúng dịp lễ hội nên tôi tham gia. Tôi thật sự rất ngạc nhiên khi lễ hội nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân và du khách, số lượng lên tới hàng nghìn người.

Số lượng người tham gia này tương đương với Lễ hội Cầu Huê ở vùng Tây Sơn Nhất. Nếu địa phương có quy hoạch, phát triển lễ hội này kèm với các di tích lịch sử, văn hóa đang có trong khu vực này thì sẽ trở thành điểm du lịch rất hấp dẫn cho người ở địa phương cũng như là du khách tới với địa danh này”.

Hàng nghìn du khách đổ về thôn An ĐIền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê để tham dự lễ hộiHàng nghìn du khách đổ về thôn An ĐIền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê để tham dự lễ hội

Tham gia Lễ hội dâu da đỏ năm nay có 5 hộ dân ở thôn An Điền Bắc với hơn 170 cây. Những vườn dâu da nằm sát nhau, đường đi trong thôn phần lớn đã được bê tông hoặc san gạt bằng phẳng tạo thuận lợi cho du khách. 

Là một người dân của quê hương Cửu An nhưng hiện sinh sống và làm việc tại TP. Pleiku về quê tham dự lễ hội, chị Trần Thị Thanh Nhị phấn khởi:

“Nhân dịp lễ 2/9 tôi cùng gia đình về quê Cửu An để tham dự lễ nghỉ lễ thì trùng hợp có Lễ hội dâu da đỏ. Đây là lần đầu tiên lễ hội này được tổ chức tôi thấy rất vui, rất ý nghĩa, đối với bà con vùng quê có ngày nghĩ lễ vui hơn, có chỗ để vui chơi, giải trí và tìm hiểu văn hóa, lịch sử của địa phương. Tôi hy vọng lễ hội này sẽ được duy trì hàng năm để đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao hơn”.

Du khách thích thú chụp ảnh bên cạnh những gốc dâu da đỏ rựcDu khách thích thú chụp ảnh bên cạnh những gốc dâu da đỏ rực

Cùng tâm trạng phấn khởi, cô Ngô Thị Bình (68 tuổi), một du khách đến từ TP. Qui Nhơn-Bình Định cho biết:

“Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như được một số bạn bè giới thiệu về lễ hội, tôi cùng gần 20 người bạn nữa thuê xe đi đến đây từ sáng sớm để kịp tham dự khai mạc lễ hội.

Hôm nay là ngày đầu tiên của lễ hội, chúng tôi đều đi với tâm trạng hết sức hồ hởi và vui vẻ. Mặc dù lễ hội tổ chức ở một vùng nông thôn nhưng rất trang trọng, hoành tráng, không khí thì hết sức đông vui, cả đoàn ai nấy cũng đều hài lòng và phấn khởi khi được tham dự một lễ khai mạc hoành tráng, được đi tham quan nhiều điểm là di tích lịch sử của địa phương, hay tham quan ngôi chùa rất đẹp. Thật sự lễ hội rất có ấn tượng với chúng tôi”.

Du khách thích thú chụp ảnh bên cạnh những gốc dâu da đỏ rựcDu khách thích thú chụp ảnh bên cạnh những gốc dâu da đỏ rực

Việc tổ chức lễ hội dâu da đỏ Cửu An-Tây Sơn nhị, An Khê năm 2019 sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa của vùng đất Cửu An; khích lệ nhân dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, lễ hội là dịp để xã Cửu An quảng bá, giới thiệu tiềm năng, bản sắc văn hóa địa phương, thu hút khách du lịch trong và ngoài địa phương, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. 

Lễ hội dâu da đỏ Cửu An-Tây Sơn Nhị, An Khê năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7/9/2019. 

Kim Yến