Na Chi Lăng - “vàng mọc trên núi đá vôi”
Chắc hẳn khi nhắc đến Chi Lăng, đa số chúng ta nhớ ngay đến địa danh “Ải Chi Lăng” lừng lẫy trong lịch sử dân tộc hoặc nghĩ ngay đến những núi đá vôi hùng vĩ, hoang sơ. Nhưng ngày nay, Chi Lăng là một trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh Lạng Sơn.
Chi Lăng không chỉ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp bền vững. Trong đó, phải kể đến mô hình du lịch, phát triển nông nghiệp gắn với sản phẩm na Chi Lăng.
Được biết, vào đầu những năm 1980, cây na dai được vài hộ dân ở xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn mang từ Hoài Đức (Hà Nội) về trồng thử giữa cheo leo vách núi đá. Khi đó, vì thiếu đất canh tác, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, người dân phải thay đổi quan niệm canh tác bằng cách vác đất lên núi đá để trồng thử nghiệm cây na. Không ai ngờ, thử nghiệm này lại trở thành một phát minh, cây na sinh sôi nảy nở trên vùng đất Chi Lăng.
Nhận thấy tiềm năng của loại cây ăn quả này, nhiều bà con trong vùng bắt đầu bỏ khoai, sắn sang trồng na, tuy nhiên, thời gian đầu, người dân chưa có kinh nghiệm kỹ thuật, cây na nào cũng cao tới 3m, phát triển tự nhiên, ít được chăm sóc nên quả nhỏ. Cây trồng chỉ thực sự được quan tâm khi các thương lái và chính quyền địa phương phối hợp mở những lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc.
Để na ra quả đúng vụ, người dân phải vất vả qua nhiều tháng. Từ mùng 4 Tết, họ đã phải lên núi tỉa cành, làm cỏ, vun đất… Đến tháng 4, tháng 5, tháng 6 là thời điểm để bón phân thúc lộc, thúc quả. Và đến tháng 8 hàng năm là thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ thu hoạch.
Sau ba năm được vun vén, cây na bắt đầy cho quả ngọt, diện tích trồng cũng ngày càng mở rộng, từ 500 ha vào năm 1997 đã tăng lên hơn 2.000 ha vào năm 2021.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Năm 2023, diện tích trồng na của huyện ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng; diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha. Đến hết năm 2023, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Nâng tầm thương hiệu na Chi Lăng
Trong hành trình đưa na Chi Lăng trở thành nông sản chủ lực, bà con nông dân và chính quyền địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, na Chi Lăng được mùa, được giá, vùng na được mở rộng, thay thế các cây trồng khác. Sản lượng hàng năm đạt từ 16.000 đến 18.000 tấn, bình quân từ 28.000-30.000 đồng/kg, loại 2-3 quả từ 60.000-80.000 đồng.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: “Giá na dai năm nay, khi đã trực tiếp tham khảo ở các hộ dân, bán tại vườn là 30.000-35.000/1kg. Còn tại các hợp tác xã sau khi thu mua lại sẽ đóng gói, phân loại ra, vào khoảng 65.000/1kg. Giá này tương đối cao hơn so với năm trước. Hiện tại, huyện Chi Lăng rất mong quả na có thể xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, bởi hiện tại na chỉ được tiêu thụ chủ yếu trong nước".
Na Chi Lăng có hương vị và đặc điểm khác biệt so với những giống na ở vùng khác. Đối với na Chi Lăng, quả có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống. Đó là na chín cây, ăn ngọt và thơm. Ngoài ra, vỏ na có màu xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Sau hơn 40 năm, huyện Chi Lăng đã trở thành “thủ phủ” của na Lạng Sơn. Na Chi Lăng cũng trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Na được mùa được giá đã không chỉ giúp bà con nông dân xoá đói giảm nghèo mà còn giúp họ “ăn nên làm ra”.
Do đó, bà con nơi đây gọi vui na Chi Lăng là “vàng” trên núi, bởi doanh thu của nông dân toàn huyện từ na được ghi nhận ở mức “khủng” đạt đến 720 tỷ đồng trong năm 2022.
Đưa thương hiệu na Chi Lăng ra biển lớn
Do diện tích trồng na lớn và doanh thu đạt đươc cao, chính quyền tỉnh không ngừng quan tâm tới công tác quảng bá thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu cho na Chi Lăng. Trong đó có ngày hội "Na Chi Lăng" được tổ chức từ năm 2017, là nơi kết nối giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, quản lý.
Sự kiện nhằm thúc đẩy phong trào trồng na theo quy trình quản lý tiên tiến VietGAP, GlobalGAP, cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngày hội này đã giúp na Chi Lăng lọt "Top 10 thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam".
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, na Chi Lăng đã dần trở lại thị trường và được địa phương thúc đẩy quảng bá rộng khắp. Vào đầu tháng 8/2022, na Chi Lăng đã có mặt tại Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022,…
Và mới đây nhất, 14/8/2023, UBND huyện Chi Lăng đã tổ chức họp báo giới thiệu Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc huyện Chi Lăng; Khai mạc Lễ hội chiến thắng Chi Lăng 10/10 và mùa na chín năm 2023. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức Tuần lễ quảng bá Na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2023 (từ ngày 24/8 - 27/8/2023), tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (địa chỉ số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đó, huyện Chi Lăng sẽ có 6 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản của huyện.
Đặc biệt, ngày 19/8 vừa qua, UBND huyện Chi Lăng đã tổ chức chương trình Quảng bá, tiêu thụ Na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng năm 2023. Tại đây, UBND huyện Chi Lăng đấu giá thành công 8 quả na, thu về số tiền 770 triệu đồng, quả đắt nhất có giá 220 triệu đồng. Số tiền thu từ phiên đấu giá này được dùng để xây dựng nhà cho người nghèo và cầu dân sinh.
Đây là các hoạt động nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu sản phẩm thông qua các chương trình phát động thi đua sản xuất sản phẩm an toàn, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong nhận thức của người nông dân sản xuất nông nghiệp. Đổi mới phương thức kết nối tiêu thụ nông, đặc sản và sản phẩm OCOP của địa phương.
Hiện nay, thương hiệu na Chi Lăng có mặt tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước. Trung Quốc cũng là một thị trường tiềm năng của na Chi Lăng nhưng đang qua đường tiểu ngạch. Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung mong muốn thúc đẩy mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...
Na Chi Lăng đã trải qua gần nửa thế kỷ để trở thành mặt hàng nông sản mũi nhọn của tỉnh Lạng Sơn. Loại quả này đã gây dựng được thương hiệu vững chắc, giúp nhiều bà con nông dân vùng cao đổi đời và được kỳ vọng tiếp tục thành công hơn trong thời gian tới.
Năm 2011, quả na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng” cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản “Na Chi Lăng” của tỉnh Lạng Sơn được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.
Ngoài ra, thương hiệu na Chi Lăng đã lọt vào top 50 trái cây đặc sản Việt Nam, được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 217.
Năm 2018, na Chi Lăng được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vinh danh và trao cúp vàng chứng nhận sản phẩm na Chi Lăng trong top 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Minh An