Được biết, tham gia HNKH có gần 900 BS, nhân viên y tế đến từ các bệnh viện, trung tâm y tế, Trường Đại học Y Dược Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh... và các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự hội nghị, có GS. TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam.
Theo PGS. TS. Trần Thừa Nguyên Tổng thư ký Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, Trưởng khoa Nội tổng hợp - Lão khoa Bệnh viện Trung ương Huế, Việt Nam vừa trải qua đợt đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử, cho đến hôm nay, các di chứng của Covid-19 vẫn tồn tại trong mọi hoạt động đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y tế. Không nằm ngoài “dòng chảy” này, các bệnh trong chuyên ngành nội tiết - đái tháo đường - rối loạn chuyển hoá bị ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn Covid-19, cũng như giai đoạn hậu Covid-19.
Bên cạnh tần suất bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa là bệnh không lây nhiễm, ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong mô hình bệnh tật, thì sự thay đổi trong giai đoạn hậu Covid-19 cũng ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, theo dõi và điều trị. Hội Nội tiết & Đái tháo đường Thừa Thiên Huế và Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học cố đô mở rộng lần thứ VI về bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa này nhằm đáp ứng một phần các yêu cầu trên
Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), năm 2021, ước tính có 537 triệu người (20 - 79 tuổi) mắc đái tháo đường và hơn 6,7 triệu người trong độ tuổi từ 20 - 79 sẽ tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường.
Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18 - 69 cho thấy, tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 4,1%, tiền đái tháo đường là 3,6%, trong đó tỷ lệ đái tháo đường được chẩn đoán là 31,1%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán là 69,9%. Năm 2022, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đưa ra là trên 7% người dân bị mắc đái tháo đường.
Tại HNKH này, có gần 100 bài báo cáo của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nội tiết - đái tháo đường, nội tiết - nhi khoa, tim mạch, thận học, ngoại khoa, hồi sức tích cực… hiện đang công tác trong các bệnh viện lớn của Việt Nam như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Nội tiết Trung ương, Đà Nẵng, Vinmec…
Với chủ đề chính "Hậu Covid-19 và bệnh nội tiết - đái tháo đường - rối loạn chuyển hóa" - trong đó chú trọng đến các ảnh hưởng của Covid-19 đối với các bệnh như rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, quản lý bệnh nhân đái tháo đường trong giai đoạn hậu Covid-19, bệnh tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục và chuyển hoá khoáng - xương trong giai đoạn hậu Covid-19.
Một số chủ đề tại Hội nghị đang “nóng” - không những trên thế giới, mà còn tại Việt Nam: Hội chứng tiết ADH không thích hợp trong thế giới thực - thái độ xử trí của các nhà lâm sàng; circRNA284 tham gia quá trình phát triển động mạch vành thông qua vai trò bọt biển với miRNA 338-3p và điều chỉnh biểu hiện ETS1; mạng tương tác miRNA-mRNA mới cung cấp cái nhìn sâu sắc về bệnh tim thiếu máu cục bộ bằng phân tích tin sinh học; dự đoán nguy cơ bệnh đái tháo đường típ 2 trên người Việt sử dụng chỉ số nguy cơ đa gen; đái tháo nhạt tại thận do đột biến gen…
PGS. TS. Trần Thừa Nguyên cho biết thêm, Hội nghị cũng có phiên tiếng Anh và của điều dưỡng với gần 30 bài báo cáo đến từ các đơn vị: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Gia Đình - Đà Nẵng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Đông Á…
Minh Tích