THCL Đây là phát biểu của đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn Hà Nội khi góp ý về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Theo đại biểu, sau hơn 130 năm phát triển, hiện đường sắt Việt Nam vẫn cơ bản là thế hệ công nghệ thứ 2, trong khi thế giới đang tiến sang thế hệ thứ 5.

Hệ thống đường sắt Việt Nam đang tụt hậu và yếu kém - Hình 1

Ngành đường sắt cần cuộc cách mạng để “lột xác”

Thảo luận tại Quốc hội về Luật đường sắt sửa đổi sáng 18/11, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết hệ thống đường sắt của Việt Nam đang tụt hậu và yếu kém. Đường sắt không kết nối với các đầu mối giao thông và thị phần vận chuyển đường sắt thực tế chỉ chiếm trên dưới 1%, trong khi đó đường bộ là 65% dẫn đến giao thông đường bộ ùn ứ.

“Yếu kém bởi công nghệ điều hành thủ công, lạc hậu, mạng lưới thiếu kết nối, hầu như không kết nối với các đầu mối giao thông, cảng biển, sân bay, khu kinh tế. Năng lực kinh doanh yếu, tư duy bao cấp, chất lượng dịch vụ kém, doanh thu sản lượng và thị phần vận chuyển ngành đường sắt suy giảm nghiêm trọng”, Đại biểu Thường nhấn mạnh.

Ngoài ra, còn có sự lúng túng về định hướng, chính sách phát triển và phần nào đó là sự quan tâm đối với ngành đường sắt. Sau khi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không được Quốc hội  khóa 12 thông qua năm 2009, thì định hướng phát triển ngành đường sắt cũng không rõ theo hướng nào; khổ ray 1,435m hay 1m; công nghệ gì...? Và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật đường sắt 2005 cũng “bị treo” theo và ... Tất nhiên là đầu tư thì hạn chế theo kiểu “cầm cự”. Còn ĐSVN thì vẫn duy trì tâm thế chờ đợi suốt cả thập kỷ qua. Với sự tụt hậu, yếu kém của đường sắt Việt Nam hiện nay, ông Thường cho rằng cần phải sửa đổi Luật ĐS 2005. 

Từ phân tích trên, đại biểu Thường nêu ba vấn đề cần giải quyết để phát triển ngành đường sắt, trong đó cần phải có đường sắt siêu trường, siêu trọng, an toàn, thân thiện môi trường để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống giao thông vận tải thống nhất toàn quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển đất nước. “Cần bố trí một khoản nhỏ trong gói 80.000 tỷ cho nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Để sau năm 2020 có điều kiện có thể triển khai dự án và phải có chính sách giữ cho được quỹ đất để xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, nguyên nhân hạn chế chủ yếu là toàn bộ hệ thống đường sắt của chúng ta chỉ là đường đơn. Chính vì đường đơn chạy 2 chiều vào ga tránh nhau nên đã kéo dài thời gian vận tải. Theo đại biểu Thể, chúng ta cần đầu tư đường sắt đôi Bắc Nam. “Nếu có đường sắt đôi Bắc- Nam thì một ngày chúng ta có thể đi vài trăm chuyến Bắc - Nam, hành khách đi trên xe đường sắt 150km/h và đi hơn 10 tiếng đã tới Hà Nội và không ai đi đường bộ nữa, tất cả sẽ đi đường sắt”, ĐB Thể nêu quan điểm.

Đại biểu  Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cũng góp ý, hiện toàn mạng đường sắt có hơn 4.300 lối đi tự mở qua đường sắt chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng đó lại là nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân. Vì chưa được cho phép mở mà cứ mở, cứ đi lại nên không có cảnh giới và chốt gác, gây nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

Thực tế, 90% các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các đường giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong 80% xảy ra tại các đường dân sinh bất hợp pháp.

Theo đó, ĐB đề nghị việc xử lý, quản lý, cảnh giới, chốt gác tại các lối đi dân sinh phải giao trách nhiệm chính cho ngành giao thông vận tải và các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thay vì giao cho địa phương như hiện nay.

 Ngọc Linh