Khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, có 109 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình trong lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống 10-12%, giá trị kinh tế gia tăng từ 25-30%.

Các mô hình tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Đây cũng là những huyện tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế phát triển của Hà Nội. Đáng nói, có không ít mô hình đã khẳng định được vị thế, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh (huyện Thạch Thất) với mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu kết hợp với du lịch và nghỉ dưỡng; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất; mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản, năng suất đạt 3 tấn/ngày, giúp người lao động thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 của thành phố Hà Nội đạt 39.568,4 tỷ đồng, tăng 3,46% so với năm trước, trong đó: trồng trọt, chăn nuôi: 36.113,6 tỷ đồng, chiếm 91,3%; Thủy sản 3.356,3 tỷ đồng, chiếm 8,5%; Lâm nghiệp 98,4 tỷ đồng, chiếm 0,2%. Sản xuất nông, lâm, thủy sản, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hóa, năng suất hầu hết nhóm cây trồng chính tăng cao hơn năm 2020, nhờ đó nâng cao thu nhập, tạo điều kiện và động lực cho phong trào xây dựng nông thôn mới Hà Nội.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội vừa bổ sung kinh phí hỗ trợ 7 huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021 với số tiền hơn 48,9 tỷ đồng.

Theo đó, huyện Ba Vì được bổ sung kinh phí nhiều nhất là 15,29 tỷ đồng, tiếp đến các huyện: Phú Xuyên 11,959 tỷ đồng, Phúc Thọ 9,882 tỷ đồng, Thanh Oai 5,229 tỷ đồng, Mê Linh 2,502 tỷ đồng, Thanh Trì 2,25 tỷ đồng, Quốc Oai 1,822 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, các địa phương sẽ chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi gồm: cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính, giống bưởi, nhãn, chè… áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

UBND các huyện trên có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021 trên địa bàn. Kiểm tra, rà soát, chịu trách nhiệm về đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ bảo đảm đúng quy định...

Hoan Nguyễn