THCL - Hiện nay, hồ tiêu của Việt Nam - loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao trong ngành nông nghiệp, đã XK sang 97 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong quá trình gieo trồng và sản xuất, chứng kiến từng giai đoạn phát triển của hồ tiêu từ lúc hình thành quả cho đến khi quả chín và khô, chị Lại Thị Bích, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hồ tiêu ngũ sắc Gia Lai (7/89 Lương Định Của, TP. Pleiku, Gia Lai) muốn lưu giữ trọn vẹn lại những giá trị của tạo hóa đã ban tặng cho hồ tiêu.

Sau thời gian mày mò nghiên cứu, chị đã tạo ra chiếc máy sấy hồng ngoại để sấy tiêu và cho ra đời một sản phẩm vô cùng đặc sắc mang tên "hồ tiêu ngũ sắc". Những hạt tiêu này, khi đem sấy vẫn giữ được trọn vẹn màu sắc, hương vị thơm, cay nồng vốn có của hồ tiêu.

Hồ tiêu ngũ sắc – Diện mạo mới được tạo nên từ bàn tay người phụ nữ Phố núi - Hình 1

Sản phẩm hồ tiêu ngũ sắc (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Lưu giữ giá trị của thiên nhiên

Chị Bích chia sẻ: “Tôi nhận thấy, trên cùng một chùm tiêu, khi hạt tiêu chưa chín có màu xanh, còn khi gần chín thì có màu vàng, lúc đủ chín sẽ có màu đỏ, những quả khô chuyển màu đen và khi hái về trong quá trình xử lý tróc vỏ trở thành tiêu trắng (gọi là tiêu sọ).

Những màu sắc quá đẹp như vậy, tại sao chúng ta không lưu giữ lại giá trị tự nhiên của hạt tiêu để tạo nên một giá trị khác biệt và chính giá trị này sẽ làm nên nét đặc trưng riêng của mỗi hạt tiêu? Mỗi màu của hạt tiêu sẽ mang một hương vị khác nhau, nếu là người sành về ẩm thực, sẽ phân biệt được ngay. Trong 5 màu sắc ấy, hạt tiêu xanh cay nồng hấp dẫn hơn tất cả các hạt tiêu khác.

Hồ tiêu ngũ sắc – Diện mạo mới được tạo nên từ bàn tay người phụ nữ Phố núi - Hình 2

Chị Lại Thị Bích cùng các sản phẩm hồ tiêu ngũ sắc

Trong quá trình thu hoạch hồ tiêu, công đoạn phơi, sấy là một trong những khâu quan trọng nhất. Với thời tiết thất thường, thường xuyên thay đổi của Tây Nguyên thì việc phơi, sấy hồ tiêu là việc vô cùng khó khăn. Càng khó khăn hơn khi nhiều người cho rằng, những hạt tiêu tươi khi đưa vào máy sấy ở nhiệt độ cao sẽ bị chuyển màu và biến dạng, không thể giữ nguyên màu tự nhiên”.

Ban đầu, khi nghe chị Bích nói về ý tưởng sẽ lưu giữ trọn vẹn màu sắc của hạt tiêu bằng cách đem sấy để vừa giữ được màu tự nhiên, vừa có được hương vị thơm cay nồng khác với các sản phẩm tiêu hiện có, ai cũng ái ngại cho rằng, đó là điều không thể. Nhưng với quyết tâm của mình, chị đã nghiên cứu và sáng tạo ra chiếc máy sấy tiêu ngũ sắc bằng tất cả tâm huyết, mồ hôi lẫn nước mắt.

Công nghệ từ tia hồng ngoại

Theo quan sát, chiếc máy sấy tiêu ngũ sắc của chị Bích có cấu tạo khá đơn giản, gồm 4 bóng đèn chiếu tia hồng ngoại và một hệ thống giàn khay để đựng tiêu sấy. Nhiệt độ, khoảng cách và cường độ chiếu tia hồng ngoại được điều chỉnh rất linh hoạt để giữ màu sắc riêng biệt của hạt tiêu sấy khô. Nguồn năng lượng của tia hồng ngoại khi tiếp xúc với hạt tiêu tươi sẽ làm cho các phần tử rung động và dẫn đến sự tăng nhiệt độ bên trong sản phẩm một cách nhanh chóng cùng với sự gia tăng về áp suất hơi nước.

Hồ tiêu ngũ sắc – Diện mạo mới được tạo nên từ bàn tay người phụ nữ Phố núi - Hình 3

Chị Lại Thị Bích giới thiệu sản phẩm hồ tiêu ngũ sắc với du khách quốc tế trong một hội chợ triển lãm

Chỉ sau khoảng 8 tiếng là tiêu đã được sấy khô, đạt độ giòn cần thiết, đặc biệt là vẫn giữ nguyên được hương vị và màu sắc vốn có như trong tự nhiên. Với 5 màu tiêu sẽ cho ra 5 hương vị khác nhau.

Kể về quá trình bỏ công nghiên cứu suốt 10 năm để sáng chế ra chiếc máy sấy tiêu ngũ sắc, chị Bích cho biết, lúc đầu, chị thuê một xưởng cơ khí lắp ráp 1 dàn đựng khay sấy, còn dòng điện để tạo sức nóng nhằm sấy tiêu thì chị tự mày mò nghiên cứu và đã chọn tia hồng ngoại.

Thời gian đầu thử nghiệm, nhiều khi tiêu cháy khô hay có những mẻ tiêu sấy không khô vì hạt tiêu cứ bị chảy nước đành chấp nhận thất bại, đổ bỏ. Những mẻ sấy tiếp theo rút kinh nghiệm từ những mẻ trước và thành công của chiếc máy sấy này hơn cả mong đợi. Điều đặc biệt là tiêu tươi đưa vào sấy phải là tiêu sạch, nếu trong hạt tiêu còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sẽ không thể sấy được vì tiêu sẽ chảy nước và cháy đen.

Công sức được đền đáp

Sau hơn 10 năm nghiên cứu, năm 2015, sáng chế của chị Lại Thị Bích đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen tại chương trình “Sáng kiến giải pháp” - do Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức; đồng thời được chương trình khảo sát sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao (do Viện Chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn và Liên hiệp Doanh nhân Việt Nam tổ chức) tặng Huy chương Vàng sản phẩm, danh hiệu thương hiệu chất lượng cao.

Giờ đây, sản phẩm hồ tiêu ngũ sắc của chị đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, tại các siêu thị, các khu du lịch. Sản phẩm hồ tiêu ngũ sắc đã tham gia rất nhiều các hội chợ thương mại trong nước, các hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Khách du lịch nước ngoài rất thích thú với sản phẩm đặc sắc này nên đã mua về, khách trong nước cũng mua gửi ra nước ngoài để làm quà.

“Với chiếc máy sấy hồ tiêu ngũ sắc, tôi hy vọng sẽ đem đến cho người tiêu dùng những hạt hồ tiêu chất lượng cũng như giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, mong muốn tạo ra một sản phẩm khác biệt từ hình thức đến nội dung để đưa hồ tiêu ngũ sắc lên tầm cao hơn so với các sản phẩm hồ tiêu trên thị trường.

Còn một điều mà tôi mong muốn nữa đó là giúp người nông dân không phải mất quá nhiều công sức về phơi và bảo quản sau thu hoạch. Hơn nữa, từ tiện ích của máy sấy tiêu ngũ sắc, tôi cũng mong muốn nông dân trồng hồ tiêu hãy trồng tiêu bền vững bằng cách chỉ dùng phân bón sinh học, “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học”, chị Lại Thị Bích chia sẻ.

                                                                                                            Kim Minh