Theo TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã triển khai hoàn thành 5 phòng thí nghiệm container áp lực âm, điều kiện đảm bảo an toàn sinh học cấp độ 2 trong vòng 3 tuần, với thiết kế hiệu quả, tiết kiệm chi phí tối đa nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn và tính linh hoạt cao nhất, phù hợp với điều kiện Việt Nam với đường xá giao thông nhiều nơi không thuận tiện, không phù hợp với những hệ thống thiết bị cồng kềnh.
Theo đó, container xét nghiệm di động được thiết kế theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và phù hợp với yêu cầu phòng xét nghiệm do Bộ Y tế quy định. Container được thiết kế hệ thống áp lực âm ngăn virus, hệ thống tủ an toàn sinh học để ngăn chặn vi rút lây nhiễm cho người xét nghiệm, bộ lọc HEPA để ngăn chặn sự phát tán của virus, hệ thống xử lý nước thải cũng như hệ thống cấp điện lưu động cùng hệ thống bàn ghế thí nghiệm, giá đỡ chống rung, lò hấp tiệt trùng và tủ lạnh y tế và hệ thống chuyển mẫu khép kín.
Container xét nghiệm COVID-19 lưu động là sự phát triển linh hoạt của mô hình Phòng khám lưu động container (PKC). Khi dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp hơn tại TP.HCM, Phòng khám lưu động container này đã trở thành phòng khám sàng lọc COVID-19 đặt tại bệnh viện Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM.
Đặc biệt, container xét nghiệm lưu động là mô hình lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Trên thế giới, các quốc gia phát triển đã triển khai mô hình này để phục vụ cuộc chiến chống COVID-19 nhưng giá thành sản xuất rất cao, thông thường không dưới 20 tỉ đồng / 1 container.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam đã ứng dụng và cải tiến mô hình trên thế giới, tận dụng nguồn lực tại chỗ để đưa giá thành xuống 2 tỉ cho 1 container. Bên cạnh đó, với các thiết bị y tế , máy móc được cải tiến trong container cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hiệu quả nhất trong công tác xét nghiệm nhanh, kiểm soát dịch.
Thuận Yến – Thùy Linh