Nhà sàn nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ra và lớn lên
Đồng chí Hoàng Văn Thụ, sinh ngày 4/11/1909, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, Văn Lãng, Lạng Sơn).
Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên; củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Hải Dương, Vĩnh Yên và Quảng Ninh...
Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng lớn.
Hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều địa bàn với nhiều công việc khác nhau đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.
Trong hồi ký “Nhớ về anh Hoàng Văn Thụ” của ông Hồ Đức Thành (lão thành cách mạng) từng hoạt động cách mạng cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ qua nhiều thời kỳ nêu rõ: Thời kỳ đầu khi Hoàng Văn Thụ mới sang Long Châu (Trung Quốc), đồng chí rất tích cực nghiên cứu báo chí cách mạng, báo chí tiến bộ và tích cực tham gia viết bài cho báo.
Theo Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Hà Đông, đồng chí Hoàng Văn Thụ từng làm “trợ bút” cho báo “Châu Giang” – một tờ báo tiến bộ lúc đó ở Trung Quốc để luyện tập cách viết báo và học thêm tiếng và chữ Trung Quốc.
Vào những năm 1930, ở Long Châu có báo “Tranh đấu” – Tiếng nói của Đảng bộ đặc biệt (Cách mạng Việt Nam tại Long Châu), đồng chí Hoàng Văn Thụ rất tích cực viết bài cho báo này.
Trong tác phẩm “Hoàng Văn Thụ, người cộng sản kiên trung bất khuất” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn biên soạn có ghi: Những năm đồng chí Hoàng Văn Thụ từ Long Châu (Trung Quốc) về các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng tuyên truyền cách mạng, xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đồng chí đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như in, rải truyền đơn, sáng tác các bài dân ca địa phương như sli, then, lượn… mang nội dung cách mạng để mọi người dễ thuộc, dễ nhớ và ra những tờ báo phù hợp để tuyên truyền cách mạng.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ thường nói với các đồng chí của mình: Những bài báo cách mạng như những tia lửa nhỏ, khi đã thấm sâu vào quần chúng nó có thể thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng tiêu diệt giặc thù.
Năm 1935, Hoàng Văn Thụ làm chủ bút báo “Tranh đấu”- cơ quan phản đế miền Thượng du (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Hà Đông). Đầu năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ trở về tỉnh Cao Bằng để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng.
Hoàng Văn Thụ đã đưa báo “Tranh đấu”, cơ quan tuyên truyền của mặt trận phản đế vùng Thượng du về in tại Cao Bằng.
Năm 1937, Hoàng Văn Thụ lãnh đạo phong trào Bình dân Việt Bắc tại tỉnh Cao Bằng và viết nhiều bài báo trên báo “Lao Động”.
Giai đoạn 1936 – 1939, khi đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được Trung ương bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, anh đã đề nghị Xứ uỷ lập tờ báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ uỷ. Đảm nhận vai trò chủ bút, Đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ uỷ Bắc Kỳ với bí danh là Lý.
Báo Giải phóng do đồng chí Hoàng Văn Thụ sáng lập và trực tiếp chỉ đạo đã ra mắt bạn đọc. Để hướng dẫn quần chúng đi vào con đường đấu tranh, trong số thứ 2 của tờ báo này (ra ngày 15/11/1939) đã viết: “Chúng tôi một lần nữa vạch rõ con đường đấu tranh rất hiệu nghiệm của các tầng lớp nhân dân Đông Dương là phải kiên quyết đấu tranh, tự mình cứu lấy mình.
Mỗi người dân Đông Dương vô luận già, trẻ, đàn ông cũng như đàn bà, kẻ giàu cũng như người nghèo, làm thầy cũng như làm thợ phải trăm người như một, kiên quyết chống đế quốc chiến tranh, chống sức phản động thuộc địa đang phản công chúng ta” (Vụ Tư liệu, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương).
Ngoài ra, những hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên cương vị là Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng đã góp phần thức tỉnh và lôi cuốn được nhiều binh lính, sĩ quan yêu nước người Việt Nam trong quân đội Pháp ở thuộc địa, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Nhà tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ tại quê hương
Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội).
Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng.
Giặc Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình. Song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ.
Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, Hoàng Văn Thụ vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.
Bất lực trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 21/12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để xử tội đối với đồng chí.
Tại phiên toà, chúng còn cho một số anh em tù chính trị của ta tới dự, hòng gây áp lực đánh vào tinh thần của các đồng chí của ta đang bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội).
Nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, Hoàng Văn Thụ đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước.
Với ý chí kiên cường và tâm hồn lạc quan của một người cộng sản, ngay trong những ngày trước khi lĩnh án tử hình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã làm những vần thơ đầy dũng khí cách mạng nhắn nhủ lại đồng chí, đồng bào của mình:
“Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu
Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”…
Đặng Sinh