Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hội nghị được tổ chức tại 7 đầu cầu trực tuyến đặt tại 7 quốc gia gồm Việt Nam, Lào, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Philippines và trụ sở Ban thư ký tổ chức SEAMEO tại Bangkok, Thái Lan. Lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước chủ trì tại các đầu cầu trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc bộ và bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục của Unicef tại Việt Nam, tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, tổ chức SEAMEO cung cấp kết quả chương trình SEA PLM năm 2019. Sáu nước tham gia đánh giá gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippines. Trong đó, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là Đọc hiểu, Viết, Toán học.

Cụ thể, ở lĩnh vực Đọc hiểu, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 6 mức độ. Học sinh nước ta đạt mức năng lực trung bình cao nhất 6/6. Tỷ lệ học sinh Việt Nam đạt được mức năng lực thứ 6 là 82%.

Malaysia đứng thứ hai với 58% học sinh đạt được mức năng lực thứ 6. Các nước còn lại tỷ lệ đều dưới 10%.

Ở lĩnh vực Viết, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 8 mức độ. Học sinh nước ta đạt mức năng lực trung bình 6/8. Tỷ lệ học sinh đạt mức năng lực thứ 8 là 20%. Tỷ lệ này ở các nước còn lại là 2-4%.

Ở lĩnh vực Toán học, SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 9 mức độ. Học sinh Việt Nam có mức năng lực trung bình là 8/9. Tỷ lệ các em đạt được mức năng lực cao nhất là 42%. Các nước còn lại, tỷ lệ này đều dưới 10%.

Phân tích chi tiết, kết quả học tập của học sinh nữ Việt Nam tương đương với học sinh nam ở lĩnh vực Toán học và Đọc hiểu. Nhưng ở lĩnh vực Viết, học sinh nữ thành thạo hơn học sinh nam.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, đánh giá SEA PLM mang đến cho các nước một thang đo đánh giá chất lượng giáo dục khách quan, công bằng, tạo cơ hội để các nước tìm hiểu, chia sẻ những kinh nghiệm, chính sách chiến lược để phát triển giáo dục.

Từ kết quả đánh giá và phân tích dữ liệu đánh giá trên, Bộ GD&ĐT Việt Nam xác định các chính sách, chiến lược trước mắt và lâu dài để phát triển giáo dục tiểu học.

Linh Tuệ