Ngày 29/6/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã có cuộc gặp ‘tuyệt vời’ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Nhật Bản.

Các phương tiện truyền thông dẫn lời Tổng thống Trump cho biết ông đánh giá cao cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh "mọi thứ giữa hai nước đang quay trở lại quĩ đạo".

Hội nghị Thượng đỉnh G20: Mỹ và Trung Quốc thống nhất tái khởi động đối thoại - Hình 1

Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Ảnh: Seattle PI)

Trả lời câu hỏi của báo giới, nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá đó là một cuộc gặp vô cùng tốt đẹp, hơn nhiều so với dự kiến. Ông cũng cho hay hai bên sẽ sớm ra tuyên bố. Tổng thống Trump cho hay ông muốn mối quan hệ thương mại "mật thiết hơn" với Trung Quốc.

Tân Hoa Xã đưa tin phía Mỹ thông báo sẽ không tiến hành áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa Trung Quốc sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước ở Osaka, đồng thời cho biết hai nước sẽ nối lại đàm phán thương mại và các nhóm chuyên gia đàm phán của Mỹ và Trung Quốc sẽ xúc tiến các cuộc gặp để thảo luận về từng vấn đề cụ thể.

Tổng thống Trump tuyên bố Washington để ngỏ một thỏa thuận thương mại "lịch sử" với Trung Quốc. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi "hợp tác và đối thoại".

Phát biểu tại cuộc hội đàm, Tổng thống Trump nói: "Nếu chúng ta có thể đạt một thỏa thuận thương mại công bằng, đó sẽ là lịch sử. Chúng tôi hoàn toàn để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận". Ông cũng bày tỏ hy vọng đây sẽ là "một cuộc gặp rất mang tính xây dựng và chúng ta có thể làm điều gì đó thực sự mang tính lịch sử" .

Về phần mình, ông Tập Cận Bình cho biết quan hệ ngoại giao 40 năm qua giữa Mỹ và Trung Quốc đã chứng tỏ rằng hợp tác và đối thoại tốt hơn đối đầu và tranh cãi. Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh một thực tế căn bản vẫn không thay đổi dù có rất nhiều đổi thay trong tình hình quốc tế, đó là Mỹ và Trung Quốc đều có lợi từ hợp tác và tổn thất nếu đối đầu.

Ông Tập Cận Bình nói rằng ông muốn đề ra một quĩ đạo cho quan hệ song phương Mỹ-Trung Quốc vì hòa bình và ổn định.

Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 12/2018. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên kể từ sau khi cuộc đàm phán thương mại song phương kết thúc hồi tháng 5 vừa qua mà không đạt thỏa thuận.

Cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Trung là sự kiện bên lề được trông đợi nhất trong hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20. Kết quả lớn nhất, theo các chuyên gia, có thể là một thỏa thuận "đình chiến thương mại", giúp tránh việc áp thuế bổ sung và mở ra các cuộc thảo luận khác và khả năng đạt thỏa thuận trong tương lai.

Cuộc gặp được đánh giá là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương vốn đã chứng kiến hai bên áp thuế lẫn nhau có tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD.

Hơn 1 năm qua, Mỹ và Trung Quốc rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại tốn kém, gây áp lực cho các thị trường và thiệt hại nền kinh tế thế giới. Các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp giải quyết mâu thuẫn đổ vỡ hồi tháng trước sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết về việc tiến hành thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc. Từ đó tới nay, các hoạt động trao đổi giữa hai bên diễn ra hạn chế.

Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng ông trông đợi cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian ở Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 để thảo luận về bất đồng thương mại giữa hai nước. Hiện Mỹ muốn Trung Quốc đồng ý thay đổi cấu trúc kinh tế lớn cũng như hạn chế trợ cấp doanh nghiệp nhà nước đồng thời đảm bảo doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận tốt hơn đối với thị trường Trung Quốc. Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc và đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.

Các nhà kinh tế học cảnh báo cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể làm tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới vốn đang phải hứng chịu những bất ổn từ những căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng và câu chuyện Brexit chưa có hồi kết.

 PV