Hội thảo Khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) và võ cổ truyền Bình Định” do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (HLKHXH) Việt Nam tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền

Tham dự Hội thảo có các vị: Hoàng Đạo Cương, Thứ trường Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL); Nguyễn Tuấn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định; PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện HLKHXH Việt Nam; GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; võ sư Trần Nguyên Đạo, Chủ tịch Hội đồng võ sư Vovinam – Việt võ đạo thế giới, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Liên đoàn VCT Việt Nam; Tạ Xuân Chánh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VH-TT Bình Định; đại diện các đơn vị của Bộ VH-TT&DL; học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các Ủy ban thuộc UNESCO, các chuyên gia về di sản văn hóa trong nước và quốc tế; các đại võ sư, võ sư trong nước và quốc tế...

Ông Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu chúc mừng Hội thảo. Ảnh: VH
Ông Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu chúc mừng Hội thảo. Ảnh: VH

Phát biểu chào mừng Hội thảo Khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản VHPVT và VCT Bình Định”, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Bình Định là cái nôi của các loại nghệ thuật truyền thống độc đáo như: VCT, tuồng, bài chòi, trong đó, nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

VCT Bình Định có từ ngàn xưa, từ thời “cha ông đi mở cõi”; có mặt ở nhiều khía cạnh trong đời sống văn hóa của người Bình Định từ trong lịch sử đến tận hôm nay; đã trở thành văn hóa tinh thần, trở thành hoạt động thể thao để rèn luyện thể lực, trí lực, tâm lực; đã tạo nên bản sắc văn hóa của người Bình Định, trở thành linh hồn của người Bình Định và của đất Bình Định, chứa đựng trong đó nhiều đạo lý, triết lý sống. 

Ý thức được tầm quan trọng những giá trị văn hóa của VCT Bình Định… nên từ rất sớm chính quyền và Nhân dân Bình Định luôn nâng niu, bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa này. Tỉnh Bình Định đã ban hành và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy VCT Bình Định; theo đó, đã hỗ trợ kinh phí duy trì, trao truyền, phát triển các lò võ tiêu biểu, các câu lạc bộ võ thuật; tổ chức biên soạn và đưa VCT vào truyền dạy trong trường học, tạo điều kiện để phát triển thể dục, thể thao phong trào; qua đó, tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ để kịp thời bồi dưỡng, rèn luyện, đưa vào các các đội tuyến của tỉnh.

Các võ sĩ, võ sinh Bình Định biểu diễn võ cổ truyền phục vụ các đại biểu, quan khách dự Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền
Các võ sĩ, võ sinh Bình Định biểu diễn võ cổ truyền phục vụ các đại biểu, quan khách dự Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở VH&TT tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sưu tầm các bài quyền, binh khí, chân dung các cố võ sư, võ sư tiêu biểu tại các võ đường trong và ngoài tỉnh; tổ chức thành công 88 kỳ Liên hoan quốc tế VCT Việt Nam… Với những nỗ lực, cố gắng của tỉnh và sự đồng thuận của Nhân dân; năm 2012, VCT Bình Định đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản VHPVT quốc gia.

Cũng theo ông Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định: Hội thảo Khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản VHPVT và VCT Bình Định” là cơ sở rất quan trọng để tỉnh Bình Định hoàn thiện hồ sơ khoa học VCT Bình Định đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, đảm bảo sức sống của di sản cho hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững của VCT Bình Định…

Ông Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: VH
Ông Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: VH

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Đạo Cương nêu bật vai trò, vị trí của VCT Bình Định và mục đích, ý nghĩa của Hội thảo. Ông Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL ho biết: VCT Bình Định với chiều sâu lịch sử, văn hóa và triết lý sống là một trong những di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy. VCT Bình Định không chỉ là một môn võ thuật, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Những bài quyền, thế võ, võ y, võ đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện đậm đà bản sắc của vùng đất và con người Bình Định.

Việc xây dựng hồ sơ ghi danh VCT Bình Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ mang lại niềm tự hào lớn lao, đồng thời đặt lên vai chúng ta trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản một cách bền vững. Với vai trò là cơ quan quản lý văn hóa, Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, cộng đồng chủ thể và các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Cũng theo ông Hoàng Đạo Cương: Trên cơ sở Công văn số 7611/VPCP-KGVX ngày 20/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định số 1677/QĐ-UBND ngày 27/5/2022, phê duyệt đề cương kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ khoa học võ cổ truyền Bình Định để trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản VHPVT đại diện của nhân loại.

Đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền
Đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền

Hội thảo quốc tế và việc đệ trình UNESCO hồ sơ ghi danh võ cổ truyền Bình Định là Di sản VHPVT đại diện của nhân loại nhằm góp phần quảng bá di sản VCT của người Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa các cộng đồng, những người thực hành võ thuật cổ truyền ở Việt Nam và trên thế giới; tìm ra định hướng bảo vệ và phát huy giá trị VCT Bình Định, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, giao lưu văn hóa và quảng bá sâu rộng di sản võ thuật truyền thống…

Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm đã giới thiệu tổng quan về Hội thảo Khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản VHPVT và VCT Bình Định”.

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm giới thiệu tổng quan về Hội thảo. Ảnh: VH
PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm giới thiệu tổng quan về Hội thảo. Ảnh: VH

Bà Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho biết: Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản VCT Bình Định nói riêng, phục vụ việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO…

Theo đó, Hội thảo nhận được 60 tham luận, sau khi cân nhắc kỹ ban tổ chức đã chọn 52 tham luận phù hợp với nội dung tập trung vào 5 nhóm vấn đề: VCT Bình Định từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể; VCT Bình Định - bản sắc địa phương, biến đổi và hội nhập; Bảo vệ và phát huy di sản VCT Bình Định trong bối cảnh đương đại; Bài học từ các quốc gia về bảo vệ và phát huy di sản võ; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Frank Proschan trình bày tham luận. Ảnh: Viết Hiền
Ông Frank Proschan trình bày tham luận. Ảnh: Viết Hiền

Tiếp đó, các đại biểu dự Hội thảo Khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản VHPVT và VCT Bình Định” đã được nghe một số báo cáo tham luận của các GS-TS, nhà nghiên cứu và các đại võ sư, võ sư…Trong số này có một số tham luận được quan tâm, như: “Giảm thiểu các hệ quả không mong đợi của việc ghi danh di sản VHPVT vào danh sách của UNESO: Một số vấn đề đặt ra với cộng đồng, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý” (của GS-TS Frank Proschan, nguyên chuyên gia cao cấp của UNESCO); “VCT Bình Định: Giá trị và việc bảo vệ, phát huy trong đời sống đương đại” (của GS-TS Từ Thị Loan); “Bảo vệ di sản võ - Kinh nghiệm từ các di sản được ghi danh trong danh sách đại diện của Công ước 2003 của UNESCO” của TS Dương Bích Hạnh (Văn phòng UNESCO vùng Đông Á); “Những bước đầu với UNESCO (của võ sư Trần Nguyên Đạo, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Liên đoàn VCT Việt Nam); “Khung thể chế và hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy VCT tại Hàn Quốc” (của GS.TS Weonmo Park, Giám đốc mạng lưới quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dưới sự bảo trợ của UNESCO)…

Ban tổ chức Hội thảo chia 2 nhóm để các đại biểu thảo luận. Ảnh: VH
Ban tổ chức Hội thảo chia 2 nhóm để các đại biểu thảo luận. Ảnh: VH

Tuy nhiên, tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản VHPVT và VCT Bình Định”, một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học và chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác nghiên cứu VCT Bình Định và về việc lập hồ sơ khoa học VCT Bình Định để trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản VHPVT đại diện của nhân loại. Tiêu biểu trong số này là ý kiến của võ sư Trần Nguyên Đạo.

Theo đó, ông Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Liên đoàn VCT Việt Nam phân tích: Khi lập hồ sơ trình UNESCO, vấn đề cốt lõi, quan trọng là phải làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của VCT Bình Định; Đặc trưng của VCT Bình Định là gì? Vị trí của nó trong cộng đồng thế nào? Tiếc là khá nhiều báo cáo tham luận chỉ dừng lại ở những câu chuyện kể giống như giai thoại. Hay như việc ca tụng về trống trận Tây Sơn, trống võ Tây Sơn… Giá trị cốt lõi của võ không thấy đâu, mà chỉ thấy giống như xem diễn… tuồng (!?).

Võ sư Trần Nguyên Đạo (người đứng) phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh Viết Hiền
Võ sư Trần Nguyên Đạo (người đứng) phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh Viết Hiền

Đồng thời, võ sư Trần Nguyên Đạo gợi ý: Bước đầu tiên là chúng ta phải nắm bắt 5 tiêu chuẩn mà UNESCO đã định nghĩa về “di sản VHPVT” và từ đó dùng làm định hướng khai triển các hồ sơ… Hai là, phải biết thẩm định chính xác VCT Bình Định thuộc về lĩnh vực trong 5 lĩnh vực mà UNESCO đã kê khai trong Điều 2, Công ước bảo vệ VHPVT đã được UNESCO thông qua năm 2003 – phiên bản 2022. Sự lựa chọn trong lĩnh vực này tuy ngắn gọn, nhưng mỗi chữ là một “cạm bẫy”, bởi chúng ta phải diễn tả bằng Anh ngữ hoặc Pháp ngữ và sử dụng đúng những cụm từ của UNESCO….

Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •