Nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam.
Nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam.

Trích ngân sách tỉnh từ nguồn kinh phí chuyển nguồn năm 2023 sang năm 2024 tại Nghị quyết số 392/ NQ-HĐND ngày 2/12/2024 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh: 3.234 triệu đồng (Ba tỷ, hai trăm ba mươi bốn triệu đồng) cho các địa phương thực hiện đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 theo Phụ lục đính kèm. Trong đó, đầu tư 1,6 tỷ cho di tích Nghĩa Trũng Đàn tại Thị xã Quảng Trị.

Nghĩa Trũng đàn là tên gọi của một nghĩa trang được xây dựng vào năm 1872 do ngài Hoàng Hữu Lợi, tước Trung nghị đại phu Phó Đô ngự sử, tiền nhân đời 12 của Hoàng tộc, làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị lập. Đây là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định như vậy khi nhắc nhớ về Nghĩa Trũng đàn.

Nghĩa Trũng đàn.
Nghĩa Trũng đàn.

Từ khi khai dựng năm 1872, đến nay, do sự phong hóa của thiên nhiên, đặc biệt là sự hủy diệt của bom đạn trong chiến tranh, các hạng mục công trình của Nghĩa Trũng Đàn đã nhiều lần bị tàn phá. Năm 1990, trước sự trăn trở của con cháu họ Hoàng làng Bích Khê, đã chủ xướng quyên góp tài lực trong con cháu nội ngoại gần xa để lên kế hoạch trùng tu. Năm 1994, Nghĩa Trũng Đàn được tái thiết lại toàn diện. Đến tháng 8/1996, con cháu họ Hoàng trong và ngoài nước cùng các hương thân, kỳ lão làng Thạch Hãn đã đóng góp tiền của, công sức để tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang với việc xây thành ở hai phía Đông - Tây khu mộ địa, dựng bia tưởng niệm.

Nghĩa Trũng đàn đã được trùng tu qua năm tháng.
Nghĩa Trũng đàn đã được trùng tu qua năm tháng.

Trong lần tái thiết này, nội dung văn bia ở Nghĩa Trũng Đàn do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng dõi họ Hoàng đời thứ 16 (cháu ông Hoàng Hữu Xứng) chấp bút. Văn bia có đoạn: “Tổ tiên vun trồng, hậu bối từng ngày vun đắp để cây đức mãi mãi xanh tươi. Đó là nghiêm huấn của các tiền hiền đã lao khổ dựng nghiệp nơi quê hương linh kiệt. Con cháu Hoàng tộc khắc cốt mang theo dù phải sống ly hương khắp bốn phương trời...”. Năm 2019, cùng với sự góp công sức của con cháu họ Hoàng làng Bích Khê và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, Nghĩa Trũng Đàn được trùng tu, nâng cấp và mở rộng thêm 2ha, gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, khu lăng mộ, nhà bia, cổng tam quan và khuôn viên cảnh quan.

Nghĩa Trũng đàn đã trùng tu.
Nghĩa Trũng đàn đã trùng tu.

Trước mặt tiền là bức bình phong và có hệ thống tường thành bao bọc xung quanh... Khu mộ của những vong linh vô chủ và nghĩa binh Tây Sơn vẫn là một gò đất cao giữa 4 bề ruộng lúa, những bông cỏ lau như những ngọn nến, nén hương thắp cho những linh hồn từ vạn cổ, tấm bia đá khắc những dòng cảm khái trĩu nặng lòng biết ơn của con dân trong họ.

Tấm văn bia Nghĩa Trũng do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng dõi họ Hoàng đời thứ 16 chấp bút.
Tấm văn bia Nghĩa Trũng do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng dõi họ Hoàng đời thứ 16 chấp bút.

Với các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, Nghĩa Trũng Đàn được UBND tỉnh Quảng Trị xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2010. Từ nay trở về sau, với sự quan tâm của chính quyền các cấp ở địa phương, sự nhiệt tình chăm sóc hương khói của dân làng Thạch Hãn cùng với sự chung tay góp sức của con cháu Hoàng tộc làng Bích Khê, xã Triệu Long, tin tưởng rằng Nghĩa Trũng Đàn sẽ từng bước được tôn tạo trang nghiêm, bề thế và toàn diện hơn trong thời gian tới, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa văn hóa của di tích này cũng như góp phần tạo nên một địa điểm du lịch tâm linh mới cho Quảng Trị. Đây là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định như vậy khi nhắc nhớ về Nghĩa Trũng đàn.

Hoàng Hữu Quyết