Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh, xứ Thanh là vùng đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử và văn hoá. Cuộc khai quật đầu tiên liên quan đến Văn hoá Đông Sơn được thực hiện vào năm 1924 tại tỉnh Thanh Hoá do một người Pháp thực hiện.

Tới năm 1929, kết quả khai quật mới được công bố tại báo cáo của V.Golonbew trong tập san Viễn Đông Bác Cổ, quyển 29 - Thời đại đồ đồng tại Bắc Kỳ và Bắc phần Trung Kỳ. Năm 1934, nền văn hóa lớn này mới được định danh là Văn hoá Đông Sơn.

Văn hoá Đông Sơn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Thanh Hoá nói riêng. Vấn đề quản lý, bảo tồn quá khứ, hiện tại và tương lai, phát huy giá trị của các di tích Văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hoá được đặt ra mang tính cấp thiết. Từ năm 1960 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), các cơ quan nghiên cứu có liên quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước,... tiến hành rất nhiều cuộc nghiên cứu, thám sát, khai quật khảo cổ học và đã phát hiện được trên 120 địa điểm, gần 300 di tích về trống đồng, chiếm số lượng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố của cả nước.

Điển hình nhất là di chỉ khảo cổ học Đông Sơn tại làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) - di chỉ tiêu biểu phản ánh sự phát triển liên tục từ các giai đoạn tiền Đông Sơn đến thời đại đồ sắt - tức là suốt cả thời kỳ dựng nước của tổ tiên chúng ta, ngay trong địa tầng các hố khai quật, các công cụ sản xuất, vũ khí,... bằng đồng tiêu biểu cho các di vật của một nền văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ đồ sắt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị” là hoạt động khoa học mang tính cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn trong việc bổ sung những luận cứ khoa học xác đáng, nhằm khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của nền Văn hoá Đông Sơn trong diễn trình lịch sử dân tộc nói chung và với quê hương Thanh Hoá nói riêng suốt 100 năm qua. Từ đó, giúp cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Thanh Hóa thêm hiểu biết sâu sắc và tự hào về truyền thống, lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước.

Hội thảo có tác dụng tích cực, phục vụ có hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, di sản văn hoá xứ Thanh; quảng bá hình ảnh di sản văn hóa và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ, kinh tế - xã hội; góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.

Sau phần khai mạc, các đại biểu, các nhà khoa học đã thảo luận về những thành tựu cơ bản và triển vọng của 100 năm phát hiện, nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn; các di tích tiền Đông Sơn - Đông Sơn ở lưu vực sông Mã; môi trường sống của người Việt cổ qua nghiên cứu các di tích văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Mã; người Việt cổ thời Đông Sơn qua nghiên cứu Nhân chủng học; Văn hóa Đông Sơn và nhà nước sớm; dấu ấn Văn hóa Đông Sơn ở Nam Bộ; Văn hóa Đông Sơn từ góc nhìn di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng thời, một số đại biểu đề xuất các giải pháp bảo tồn, bảo vệ cụm di tích khảo cổ Đông Sơn; kiến nghị tỉnh Thanh Hóa cần hoàn thiện hồ sơ đề xuất công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với cụm di tích khảo cổ Đông Sơn trên đất Thanh Hóa; xây dựng bảo tàng Văn hóa Đông Sơn tại Thanh Hóa; triển khai các chương trình điều tra, nghiên cứu, hội thảo về Văn hóa Đông Sơn.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc khẳng định nguồn gốc, giá trị của Văn hóa Đông Sơn và cụm di tích khảo cổ Đông Sơn trong tiến trình hình thành và phát triển của nền văn hóa Việt cũng như công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của cụm di tích khảo cổ Đông Sơn và Văn hóa Đông Sơn trong thời gian tới.

Khánh An