Ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc phát biểu tại hội thảo
Tham dự Hội thảo, có TS. Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Lê Hoàng Phụng, Bí thư TP. Bảo Lộc; ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP; ông Fei Jianming, Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới; ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ TW; Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây nguyên; các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cơ sở hoạt động trong ngành ươm tơ, dệt lụa; các cơ sở sản xuất cung ứng giống dâu và trứng giống tằm và các hộ nông dân tiêu biểu trong trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc nhấn mạnh: “Các sản phẩm tơ lụa có nguồn gốc Bảo Lộc có chất lượng tốt được khẳng định trong nước và trên thị trường quốc tế (chiếm trên 80% sản lượng toàn quốc). Tơ lụa Bảo Lộc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 776882/QĐ-SHTT ngày 27/02/2017”. Các DN cần đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc có chân dung, diện mạo, thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc”.
UBND TP. Bảo Lộc; Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam và Hiệp hội Tơ lụa thế giới ký kết xúc tiến phát triển ngành dâu tằm Bảo Lộc
Tại hội thảo, các ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý đã nêu lên những thuận lợi và những thách thức mà ngành tơ tằm đang gặp phải, qua đó đề ra những giải pháp để phát triển dâu tằm bền vững.
Theo các nhà khoa học, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, ngành dâu tằm cần đầu tư có trách nhiệm, xây dựng chuỗi liên kết các giá trị để một mặt đáp ứng được các tiêu chí chất lượng của những thị trường khó tính.
Các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi xây dựng chuỗi sản xuất, hỗ trợ phát triển dâu tằm trong mối quan hệ kinh tế hội nhập, đa dạng hóa các sản phẩm từ dâu tằm.
Tại hội thảo, UBND TP. Bảo Lộc; Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam và Hiệp hội Tơ lụa thế giới đã ký kết xúc tiến phát triển ngành dâu tằm Bảo Lộc.
Hoàng Phương