Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11/2021. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ sau khi đảm nhận cương vị và Nhật Bản có lãnh đạo mới sẽ tạo nấc thang mới trong tăng trưởng kinh tế hai nước, hướng tới tiếp cận thị trường sâu và bền vững.
Nền tảng vững chắc
Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai nước hiện đạt khoảng hơn 40 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam và Nhật Bản tương đối cân bằng và tốc độ tăng trưởng thương mại đều giữa hai bên.
Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 34,3 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020. Về xuất khẩu, kim ngạch của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 18,1 tỷ USD.
Sản xuất tại Công ty TNHH NMS Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản). Ảnh: Danh Lam/TTXVN.
Không dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) năm 2009; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) năm 2008; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2019), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020.
Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ chế hợp tác chính thức để giải quyết các nội dung kinh tế, thương mại gồm: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản; Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Đáng lưu ý, trong nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ổn định, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã quyết định đặt nhà máy hoặc mở rộng nhà máy hiện có tại Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tích cực xúc tiến thiết lập kinh doanh ở Việt Nam. Nhờ đó, Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ 2 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 4.765 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký gần 64 tỷ USD.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ hơn 4 tỷ JPY để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng đã hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thông tin: Trong những năm qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư của Nhật Bản tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, nhằm tạo kênh trao đổi thông tin trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước.
Tại các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư đã được tổ chức, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn bày tỏ sự quan tâm với thị trường Việt Nam và mong muốn được đến Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về thị trường, tiềm năng sản xuất các sản phẩm như giày, kim loại…
Hướng tới bền vững
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn đạt kết quả khả quan nhưng các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hiện có. Hơn nữa, đối với một số mặt hàng như nông sản và thực phẩm của Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức khi xuất khẩu vào những thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU.
Công trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh TTXVN.
Ngoài những khó khăn cạnh tranh từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nội tại như: Năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu. Vì vậy, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản đưa ra ví dụ cụ thể như việc nhập khẩu cà phê hạt tiêu vào thị trường này phải đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Luật Vệ sinh Thực phẩm. Đồng thời, phải đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra đối với dư lượng thuốc trừ sâu theo danh mục các hóa chất nông nghiệp được cho phép sử dụng tại Nhật Bản.
Bởi theo ông Tạ Đức Minh, luật pháp Nhật Bản rất khắt khe đối với các trường hợp hàng nhập khẩu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các trường hợp vi phạm và không có sự chấn chỉnh kịp thời, hải quan Nhật Bản sẽ yêu cầu gia tăng tần suất và mức độ kiểm tra bắt buộc đối với mọi lô hàng của mọi nhà xuất khẩu từ quốc gia có vi phạm.
Ngoài ra, ông Tạ Đức Minh cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa cần chú trọng đến kênh phân phối. Bởi, Nhật Bản có hệ thống phân phối phức tạp với nhiều tầng lớp trung gian, hàng cà phê, hạt tiêu Việt không dễ để có thể được bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng mà cần phải thông qua các đầu mối nhập khẩu lớn.
Riêng với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Tạ Đức Minh cho rằng, hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật… phù hợp với nhu cầu đặt hàng sản xuất của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhưng hợp tác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Do vậy, để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu và phát triển; đầu tư trang thiết bị hiện đại, gia tăng hàm lượng kỹ thuật, hàm lượng công nghệ cho sản phẩm.
Khi đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng gia công, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn, tiến tới trở thành đối tác liên doanh, liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo TTXVN