Tham dự phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, triển lãm công nghiệp hỗ trợ và Metalex Việt Nam là một diễn đàn chuyên nghiệp để các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu công nghệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Các triển lãm này đã trải qua hơn 17 năm tổ chức thành công, khẳng định được vị thế là sự kiện hàng đầu trong nước và khu vực trong lĩnh vực máy móc, công nghệ gia công cơ khí và ngành công nghiệp hỗ trợ.
Năm nay, sự kiện thu hút hơn 200 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đem đến những công nghệ và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực cơ khí, gia công chính xác và tự động hóa. Triển lãm công nghiệp hỗ trợ tiếp tục là cầu nối giúp các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể nâng cao năng lực sản xuất và từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài việc kết nối, các triển lãm còn mang đến các hoạt động hội thảo, diễn đàn chia sẻ kiến thức về xu hướng mới nhất trong ngành công nghiệp, đào tạo kỹ năng quản lý và áp dụng công nghệ. Đây là những bước chuẩn bị thiết yếu để Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, mà còn nâng tầm vị thế của mình trên bản đồ công nghiệp khu vực và quốc tế. Thông điệp của chương trình năm nay: “Từ tuyến tính đến tuần hoàn - thiết lập lộ trình sản xuất hướng đến trung hòa carbon”, đã thể hiện cam kết trong việc thúc đẩy sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao trách nhiệm xã hội của chính quyền và doanh nghiệp.
Theo ông Võ Văn Hoan, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tuy đã có những bước tiến tích cực trong những năm gần đây, tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn chưa đạt kỳ vọng trong khi nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia về nguồn cung ứng nội địa ngày càng gia tăn, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao như hàng không, điện tử và ô tô. Vì thế, việc liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản là cơ hội quý để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất và từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Hàng năm, Thành phố đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách và của cả nước. Thành phố đã và đang nỗ lực tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chính xác. Ông Hoan tin rằng, với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và tinh thần quyết tâm của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc RX Tradex Việt Nam, đại diện Ban Tổ chức Metalex Vietnam 2024, kỳ vọng sự kiện không chỉ giúp năng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và nến kinh tế tuần hoàn. Dự kiến, triển lãm năm nay đón tiếp hơn 15.000 khách tham quan, bao gồm các cá nhân và đoàn tham quan tập trung vào các lĩnh vực gia công kim loại, cơ khí chính xác, sản xuất khuôn mẫu, thiết bị tự động hoá và công cụ máy móc. Đáng chú ý, 40% khách tham quan là các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất và gia công công nghiệp.
Ngoài việc tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm và giải pháp, Metalex Vietnam 2024 còn đặc biệt thu hút với chuỗi hội thảo chuyên sâu xoay quanh các xu hướng và thách thức mới nhất trong ngành sản xuất, nổi bật với các chủ đề như: Sản xuất bền vững - Thiết lập lộ trình sản xuất trung hòa carbon và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sang kinh tế tuần hoàn; Tương lai và thử thách của Công nghiệp gia công cơ khi trong việc sản xuất bền vững; Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành gia công cơ khí trong bối cảnh chuyển hóa sang nền kinh tế tuần hoàn.
Hoàng Bách (t/h)