Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây nên, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và người sử dụng lao động
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây nên, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và người sử dụng lao động

 Triển khai Nghị quyết số 03/2021/NQ/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg) quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3068/BHXH-CSXH gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân về việc triển khai thực hiện Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn cụ thể về: đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động; phân cấp giải quyết đối với đơn vị, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; quy trình giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động; quy trình chi trả hỗ trợ người lao động; đồng thời giao trách nhiệm cho từng đơn vị trực thuộc và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố nhằm huy động tổng lực “vào cuộc” triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đến người hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, an toàn nhất và bảo đảm công khai, minh bạch.

Tại Công văn này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tổ chức, thực hiện chính sách hỗ trợ phải đặt mục tiêu tạo sự thuận tiện, đơn giản về thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động sớm nhận được hỗ trợ, người sử dụng lao động được giảm trừ mức đóng kịp thời. Đặc biệt, trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin hiện có của Ngành sẽ góp phần hiệu quả trong việc định danh chính xác người lao động và người sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Thuận tiện, đơn giản với thời gian thực hiện được rút ngắn tối đa

Theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/10/2021: Khoảng 13 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động; khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng (kể từ ngày 1/10/2021 đến hết 30/9/2022).

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo toàn Ngành triển khai với thủ tục nhanh gọn, rút ngắn tối đa thời gian. Trường hợp người lao động không đủ điều kiện được nhận hỗ trợ, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quy trình, thời gian hỗ trợ cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Nhóm 1: Đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9/2021 (không bao gồm người lao động tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên):

Trên cơ sở danh sách người lao động được hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi đến đơn vị sử dụng lao động, người lao động đối chiếu, bổ sung thông tin (nếu có) và cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng cá nhân để nhận hỗ trợ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người lao động đúng, đủ thông tin và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được danh sách người lao động điều chỉnh thông tin do đơn vị sử dụng lao động gửi đến, cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động. 

Nhóm 2: Đối với người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người đã có quyết định hưởng lương hưu hằng tháng:

Người lao động khai báo thông tin, đề nghị nhận hỗ trợ theo Mẫu, gửi đến cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện (nơi người lao động có nhu cầu nhận hỗ trợ). Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021.

 Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ của người lao động đúng, đủ thông tin, cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động. 

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/05/2020 của Thủ tướng Chính phủ và góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là quan điểm khuyến khích người lao động nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, nhằm đảm bảo việc chi trả gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp tới người lao động một cách nhanh chóng, thuận tiện, chính xác và an toàn nhất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động nên nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng.

Thứ hai, đối với chính sách hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội căn cứ vào dữ liệu quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp trên Hệ thống phần mềm nghiệp vụ, xác định đơn vị được điều chỉnh mức đóng theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, thực hiện điều chỉnh ngay mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Hằng tháng, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng giảm đóng, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ hướng dẫn đơn vị gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội - nơi đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp 1 bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị được phân loại tự chủ tài chính theo quy định.

Linh hoạt các hình thức giao dịch hồ sơ và tra cứu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và người sử dụng lao động, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trương thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức giao dịch hồ sơ để triển khai các chính sách hỗ trợ theo sự lựa chọn của người thụ hưởng, giúp người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất.

Người lao động có thể sử dụng một trong các hình thức giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội như:

 Trực tuyến thông qua: Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN; Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.

 Thông qua dịch vụ bưu chính.

Trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện.

Mặt khác, người lao động có thể chủ động tra cứu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp một cách thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng bằng nhiều cách như:

Trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.

 Từ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Trên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa chỉ truy cập: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx

 Qua Tổng đài Tư vấn và chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 1900.9068

Qua tin nhắn tra cứu tại Tổng đài 8079, theo cú pháp: BH (dấu cách) QT (dấu cách) mã số bảo hiểm xã hội gửi 8079. Lưu ý: Mã số bảo hiểm xã hội là mã số trên sổ bảo hiểm xã hội hoặc 10 số cuối trên thẻ bảo hiểm y tế của người lao động.

Có thể thấy, trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin sẵn có và việc rút ngắn tối đa các thủ tục hành chính, thời gian triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được rút ngắn từ 5-10 ngày so với quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này càng minh chứng rõ nét hơn cho việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết liệt, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với phương châm đưa chính sách hỗ trợ đến người lao động, người sử dụng lao động một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất và chính xác nhất, góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuỗi cung ứng lao động, cung cấp việc làm và tạo thu nhập cho người lao động.

Gói hỗ trợ lần này theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tiếp tục khẳng định Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý và sử dụng đảm bảo an toàn hiệu quả, minh bạch, thể hiện rõ bản chất nhân văn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây nên, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và người sử dụng lao động.

 Việt Anh