Theo ông Lê Hùng Anh, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành BIN Corpration Group cho biết, dù Chính phủ đã cho phép từng bước mở cửa nhưng việc kinh doanh sắp tới vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, doanh nghiệp cần xem xét những hoạt động ưu tiên trong kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cho phù hợp và có phương án dự phòng. 

“Để tồn tại, doanh nghiệp sẽ cần lên những phương án sản xuất kinh doanh thay thế nhằm ứng phó với đại dịch. Một số khách hàng của chúng tôi đã làm rất tốt và đã có quá trình chuẩn bị trong việc thích ứng kịp thời trong năm qua. Cụ thể, để duy trì dây chuyền sản xuất của mình, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dịch chuyển hoặc mở rộng chuỗi cung ứng của mình sang nhiều quốc gia khác”, ông Hùng Anh chia sẻ.

Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đã chủ động đề ra nhiều biện pháp thiết thực phòng, chống dịch trong công nhân viên, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Do vậy, Tập đoàn xem như đã thành công trong việc thực hiện “Mục tiêu kép” theo định hướng của Chính phủ.

Lũy kế 11 tháng niên độ tài chính 2020-2021, Tập đoàn Hoa Sen Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ước đạt tổng sản lượng hơn 2 triệu tấn sản phẩm, vượt xa so với kế hoạch 1,8 triệu tấn và bằng 143% so với cùng kỳ. Doanh thu trong 11 tháng của HSG đạt trên 42.500 tỉ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt gần 4.000 tỉ đồng, tăng rất mạnh so với lợi nhuận chỉ hơn 1.000 tỉ đồng trong 11 tháng cùng kỳ.

Đại diện HSG cho hay xuất khẩu là một trong hai kênh bán hàng chủ lực của tập đoàn khi "phủ sóng" được tới khách hàng ở trên 87 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, sản lượng xuất khẩu của HSG vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Với lợi thế có cảng biển nước sâu ngay tại nhà máy, sản phẩm thép của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh nhờ việc dễ dàng vận chuyển đến các thị trường quốc tế. Tính riêng tháng 8/2021, sản lượng sản xuất thép thô của DN này đạt 681.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ, trong khi đó, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt tới 690.000 tấn. DN ngành thép này cũng định hướng đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm như tôn mạ lạnh và mạ kẽm đến các nước châu Âu, Mỹ, khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á. Đã có thời điểm, sản lượng xuất khẩu tôn mạ lạnh và mạ kẽm của DN chiếm trên 50% sản lượng sản xuất.

 

Doanh nghiệp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để thích ứng với dịch COVID-19
Doanh nghiệp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để thích ứng với dịch Covid-19

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.

Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Công ty CP May 10 đã đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Đó là khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu...

Các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam không chỉ sản xuất hàng may mặc thông thường mà còn tham gia sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn dành để may khẩu trang, các dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn riêng của doanh nghiệp mình và bán trên toàn hệ thống bán lẻ toàn quốc, bao gồm Hanosimex, May Chiến Thắng, May Nhà Bè, Việt Tiến, Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định…

Để ứng phó tốt với đại dịch Covid-19, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh, người đứng đầu phải vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên. Theo đó, cần nhấn mạnh vào 3 vấn đề, đó là nhân sự phù hợp, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù để ứng phó với khủng hoảng ngay tại thời điểm xảy ra.

Có thể khẳng định, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ).

Thiên Trường