Hơn 100 ha bị lấn chiếm
Trong vòng 10 năm (từ năm 2007 - 2017), đã có gần 120 hộ dân đến lấn chiếm, tổng diện tích bị lấn chiếm là gần 100 ha. Cá biệt, có những hộ dân người H’Mông sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk cũng di cư sang, chiếm đất, dựng nhà, khiến cơ quan chức năng buộc phải cưỡng chế, dỡ bỏ nhà cửa, đưa họ trở về nơi ở cũ.
Người dân đã chiếm đất và sống ở đây trên 10 năm (Ảnh: VN)
Sự việc bắt đầu vào năm 2002, UBND tỉnh Gia Lai giao 1.570 ha đất rừng cho Công ty TNHH MTV Tân Tiến (trụ sở đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện các dự án trồng rừng nguyên liệu công nghiệp, cây nông sản ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi tại địa bàn xã Ia Dreh.
Việc giao đất được thực hiện từ tháng 1/2003, thời hạn kết thúc vào năm 2010. Tuy nhiên, công ty này không thực hiện đúng theo dự án được duyệt nên UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định thu hồi lại 1.450 ha, giao cho huyện Krông Pa quản lý. Số còn lại (119 ha) vẫn được giao cho công ty này sử dụng.
Trong khi huyện Krông Pa chưa có phương án sử dụng hơn 1.450 ha được tỉnh giao, thì nhiều hộ dân ở khu vực lân cận (chủ yếu là người đồng bào dân tộc Jrai) có nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp, đã đến lấn chiếm đất để canh tác, sản xuất, thậm chí là xây dựng nhà ở kiên cố.
“Không hỗ trợ, mình không về đâu”...
Qua tìm hiểu, khu vực người dân lấn chiếm có vị trí khá biệt lập, phải vượt qua hàng chục km đường rừng mới có thể vào tới nơi. Chính bởi nằm ở vị trí biệt lập nên cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các trẻ em sinh ra đều không được đến trường, không được học chữ.
“Mình ở đây cũng được 10 năm rồi, vào đây canh tác trồng lúa, trồng mỳ… cũng chỉ đủ ăn, kiếm sống qua ngày thôi. Giờ muốn về thì mong Nhà nước hỗ trợ đất hay làm cánh đồng lớn thì mình mới về được, chứ không thì mình không về được đâu”, ông Ksor Gút (SN 1963, buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa) cho biết.
Anh Ksor Y Tét (SN 1979, trú buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa), sau khi lấy vợ, không được chia đất canh tác. Vì vậy, từ năm 2010, anh đã đưa gia đình lên rừng, qua nhiền năm đã lấn chiếm 7 ha đất rừng để trồng cây nông nghiệp và cây công nghiệp dài ngày.
“Tôi lên đây được 7 năm rồi. Được biết, Nhà nước muốn thu hồi lại đất thì cũng mong Nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi có công ăn việc làm, có nhà cửa ổn định. Nếu Nhà nước thu hồi trắng thì gia đình tôi làm sao có công ăn việc làm được, hết sức khó khăn, không có đất rẫy làm, chúng tôi cũng không chịu về đâu”, anh lo lắng.
Ông Tạ Chí Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pa thừa nhận, việc để nhiều hộ dân lấn chiếm đất rừng trồng cây nông nghiệp là do công tác quản lý, bảo vệ rừng của huyện chưa được chặt chẽ, chưa có chính sách hỗ trợ tốt trong cách bảo vệ rừng, trong khi nhu cầu về đất sản xuất của người dân rất lớn.
Dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, song hiện nay vẫn còn tới 78 hộ dân sinh sống và canh tác nông nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp mà tỉnh Gia Lai đã giao cho huyện Krông Pa quản lý.
Hàn Chương