Cụ thể, theo Tổng cục Thuế, các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của các mạng xã hội, lập ra nhiều hội, nhóm, tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm mục đích rao bán các hóa đơn giá trị gia tăng của các doanh nghiệp “ma” với nhiều loại mặt hàng khác nhau để thu lợi bất chính.
Thông tin trước báo chí (ngày 17/11) về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng trên, là do hiện nay thủ tục thành lập doanh nghiệp khá đơn giản. Do đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng chính sách thông thoáng để thành lập doanh nghiệp “ma”, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Thậm chí, có những trường hợp cá nhân bất ngờ phát hiện mình đứng tên thành lập doanh nghiệp vì bị đánh cắp thông tin cá nhân từ chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Thuế TP. HCM đã xử lý 1.510 hóa đơn vi phạm của 219 doanh nghiệp, với tổng số thuế truy thu, phạt là 15,5 tỷ đồng. Trong đó, đã phát hiện, xử lý 984 trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp/sử dụng không hợp pháp hóa đơn, số thuế truy thu, phạt là 9,5 tỷ đồng.
Cục Thuế TP. HCM đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra 6 trường hợp (5 trường hợp để truy cứu trách nhiệm hình sự và 1 trường hợp dưới dạng tin báo).
Riêng các trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn của 524 doanh nghiệp gian lận (theo Công văn số 1798/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế), Cục Thuế TP. HCM cũng đã rà soát và xử lý 154.853 hóa đơn bất hợp pháp với tổng số tiền thuế đã điều chỉnh, truy thu và phạt lên gần 963 tỷ đồng, chiếm 76,09% tổng số lượng hóa đơn và 82,6% tổng số thuế giá trị gia tăng phải xử lý.
Theo Cục Thuế TP. HCM, số lượng người nộp thuế trên địa bàn ngày càng nhiều, hành vi gian lận về hóa đơn ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi cơ quan Thuế không có thẩm quyền điều tra để kết luận chính xác về sai phạm của các đối tượng mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng nhằm trục lợi, gian lận tiền thuế.
Do đó, Cục Thuế TP. HCM đã kiến nghị Tổng cục Thuế đẩy mạnh nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro về hóa đơn, ưu tiên tập trung rà soát các đối tượng có rủi ro cao trước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, triệt tiêu các hành vi gian lận về hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP. HCM cũng đã triển khai vận hành chức năng cảnh báo tự động xuất hóa đơn vượt ngưỡng rủi ro để hỗ trợ người nộp thuế cũng như phục vụ khai thác dữ liệu trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Theo thống kê của Cục Thuế TP. HCM, tính đến đầu tháng 10/2024, toàn địa bàn có khoảng 11.684 người nộp thuế thuộc diện có hệ số K vượt ngưỡng, với 959.876 lượt cảnh báo. Trong đó, cơ quan Thuế đã chuyển 97 hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra; phát hành 53 thông báo doanh nghiệp rủi ro, dừng sử dụng hóa đơn hoặc cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn và một số trường hợp đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế, ra quyết định truy thu tiền thuế…
Theo Tổng cục Thuế, tính riêng năm 2023, công tác phối hợp với cơ quan công an trong đấu tranh chống gian lận hoá đơn, cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố 88 hồ sơ; nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan công an. |
Tuấn Ngọc (t/h)