Phối cảnh dự án KCN Phúc Sơn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, tiến độ thực hiện dự án không quá 24 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước bàn giao đất, cho thuê đất.

Cụ thể, giai đoạn 1 (với quy mô sử dụng đất 70ha): Thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, môi trường... và bồi thường giải phóng mặt bằng: 06 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (ngày 11/3/2024).

Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp: 12 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Giai đoạn 2 (với quy mô sử dụng đất 53,94ha) triển khai thực hiện đầu tư từ năm 2026. Thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng, môi trường... trên phần diện tích đất còn lại và bồi thường giải phóng mặt bằng trong 6 tháng. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp trong 12 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Tổng vốn đầu tư xây dựng của dự án là 1.836 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện tại xã Phúc Sơn và xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang với diện tích 123,94 ha (Diện tích quy hoạch Khu công nghiệp Phúc Sơn là 125ha, trong đó có khu đất của Công ty cổ phần Vinahan 0,57ha và diện tích sân bóng thôn Trám là 0,49 ha. Diện tích Dự án không bao gồm diện tích Công ty cổ phần Vinahan và diện tích sân bóng thôn Trám).

Đây là khu công nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện Tân Yên do CTCP Le Delta làm chủ đầu tư. Dự án sẽ kết nối trực tiếp với ĐT.297 ở phía Tây và ĐT.297B ở phía Bắc và thông qua ĐT.295 kết nối với đường Vành đai 5 - tuyến đường quan trọng của miền Bắc khi kết nối với 8 tỉnh, thành phố.

Khu công nghiệp Phúc Sơn được định hướng là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, thu hút đầu tư trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực: chế biến nông lâm sản, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo máy, linh kiện điện tử, bao bì và các ngành công nghiệp phụ trợ...

Để triển khai dự án này, tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện chuyển đổi khoảng 97ha đất rồng lúa, còn lại là đất trồng cây hàng năm khác, nuôi trồng thủy sản, đất thủy lợi, đất nghĩa trang, đất bằng chưa dử dụng....

Trong báo cáo vừa công bố của chủ đầu tư, việc chuyển đôi đất trồng lúa sang đất công nghiệp sẽ mang lại thu nhập trung bình cho người lao động khoảng 8,6 tỷ đồng/ha, chưa kể các khoản thu thuế, phí.

Về cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ phân bổ hơn 79ha xây dựng xí nghiệp, nhà máy và được chia làm 10 lô đất với mật độ xây dựng 70%, chiều cao 1 - 5 tầng. Các diện tích đất còn lại bao gồm 16ha đất cây xanh, mặt nước; 21ha đất giao thông và gần 5ha đất công cộng, dịch vụ, trong đó, công trình hành chính, dịch vụ với chiều cao 3-9 tầng, là điểm nhấn kiến trúc của toàn dự án.

Về chủ đầu tư là Le Delta, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2005, có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tính đến tháng 11/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là ông Ngô Văn Hùng. Le Delta hiện hoạt động đa ngành với các lĩnh vực gồm: thiết bị y tế, dịch vụ môi trường, xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao, khai khoáng, xử lý rác thải, năng lượng tái tạo và bất động sản. Doanh nghiệp này hiện có 2 dự dự án nhà máy điện - rác tại Hải Phòng và Đồng Nai.

An Nguyên (t/h)