Núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên, tọa lạc tại núi Nưa, nay thuộc tổ dân phố 6, thị trấn Nưa, là nơi ghi dấu về cuộc khởi nghĩa Bà Triệu cùng sự hy sinh anh dũng của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh luôn được Nhân dân Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung, tự hào, kính ngưỡng. Năm 2009, di tích này được xếp hạng là di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh quốc gia.
Nơi đây, không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, mà còn là một trong những huyệt đạo linh thiêng của Việt Nam. Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp binh sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.
Hằng năm, từ mùng 9 đến 20 tháng Giêng diễn ra Lễ hội đền Nưa - Am Tiên, để tưởng nhớ công lao trời biển của Bà Triệu, các tướng sĩ và Nhân dân ta trong công cuộc đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.
Đến di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, sau khi thắp hương tại đền Nưa, du khách sẽ di chuyển lên địa điểm Am Tiên vãn cảnh và được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hữu tình và tham quan chùa Am Tiên, đền Tu Nưa thờ vị đạo sĩ thời Trần, Hồ.
Được biết ngôi chùa Am Tiên và đền Tu Nưa, thời gian trước do biến cố của lịch sử đã trở thành phế tích. Trong những năm của thập niên 80, thế kỷ XX, chùa Am Tiên và đền Tu Nưa được Nhân dân địa phương cùng với các nhà hảo tâm góp công, góp của trùng tu, tôn tạo để lấy nơi thờ phụng. Hiện nay, nơi đây được xây dựng khang trang đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.
Sự linh thiêng, vẻ đẹp thiên nhiên, cùng nhiều câu chuyện huyền bí được người đời truyền tụng, di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo khách thập phương. Từ đầu năm 2023 đến nay, di tích này đã đón khoảng 20.000 lượt người đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương, hành lễ.
Cùng với di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác trên địa bàn huyện Triệu Sơn thời gian gần đây cũng thu hút một lượng lớn khách thập phương tới tham quan, chiêm bái.
Để đạt được kết quả này, ngoài việc tăng cường các hoạt động truyền thông về du lịch, huyện Triệu Sơn còn chú trọng tới việc huy động sự ủng hộ của các nhà hảo tâm cùng chung sức với chính quyền địa phương thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Từ năm 2016-2021, đã có 4 di tích lịch sử, văn hóa được xây dựng, tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng.
Các di tích trên địa bàn sau khi được tu bổ, tôn tạo đi vào hoạt động, ngày càng phát huy giá trị, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tin ngưỡng và văn hóa tâm linh, nhất là các di tích trọng điểm như: Đền Nưa, Am Tiên, nhà thờ Quận công Lê Thân, đền thờ bia ký Hoàng giáp Lê Bật Tứ...
Theo báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng khách du lịch đến các khu di tích văn hóa, tâm linh trên địa bàn huyện có khoảng 30.000 lượt người.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Triệu Sơn có 30 di tích lịch sử, danh thắng đã được xếp hạng. Trong đó, có 4 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia, gồm: Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu; đền thờ bia ký Hoàng giáp Lê Bật Tứ; đền thờ Nguyễn Hiệu; Khu Di tích quận công Lê Thì Hiến - Lê Thì Hải và 26 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đây là điều kiện quan trọng để thời gian tới huyện Triệu Sơn phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh.
Hiện huyện Triệu Sơn đã và đang huy động các nguồn lực, đặc biệt là tranh thủ nguồn xã hội hóa trong Nhân dân để đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Trong giai đoạn 2022-2025, huyện Triệu Sơn đặt ra mục tiêu tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp theo các di tích, gồm: Đền thờ Tể tướng Thái bảo Đại vương Nguyễn Hiệu; phủ Vạn; đền thờ Trần Khát Chân; khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947-1954); đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Đến thời điểm này, huyện Triệu Sơn đang thực hiện các bước quy trình, thủ tục đầu tư dự án tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp theo đúng quy định. Bên cạnh đó, huyện Triệu Sơn đang nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Hiện Công ty CP Mặt trời Thanh Hóa đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí để điều chỉnh quy hoạch tổng thể núi Nưa - Am Tiên.
Ông Lê Hồng Phong, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Sơn, cho biết:
Để thúc đẩy du lịch phát triển, huyện Triệu Sơn đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Triệu Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Hiện đề án này đang trong quá trình xin ý kiến các ban, ngành cấp tỉnh. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng, địa phương chủ động cùng với các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là việc quy hoạch tu bổ và phát huy giá trị di tích lịch sử danh thắng địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, gồm: núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn xã hội hóa để đầu tư công trình công cộng, cơ sở hạ tầng và các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Tăng cường đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức về du lịch của đội ngũ cán bộ quản lý và bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng đón tiếp, phục vụ ăn, nghỉ, kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử cho người dân tham gia làm du lịch. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền trong việc tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho du khách.
Qua đó, thúc đẩy ngành du lịch phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Triệu Sơn.
PV (T/h)