Đồng chí Nguyễn Xuân Thông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, huyện Yên Lạc luôn luôn giữ vững truyền thống yêu nước và cách mạng, anh hùng bất khuất trong dựng nước và giữ nước, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, nhiều phần thưởng cao quý trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong hòa bình và xây dựng đất nước, nhất là từ khi tái lập huyện đến nay Yên Lạc đã đạt được nhiều thành tích rực rỡ, đang vững bước đi lên trên con đường phát triển. Là huyện đồng bằng, lại tiếp giáp với Thành phố Hà Nội và các địa phương năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của tỉnh, Yên Lạc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và thương mại dịch vụ.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Lạc khoá XXI, huyện đã nhanh chóng tập trung cụ thể hóa chủ trương đường lối, đưa Nghị quyết vào cuộc sống bằng những việc làm cụ thể, sát với tình hình thực tế của huyện; nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra.
Đến nay, tổng giá trị sản xuất đạt 10.653 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 9,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp - xây dựng 58,3%; Thương mại - dịch vụ 27,7%; Nông nghiệp - thủy sản 14,0%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người 67,4 triệu đồng/người/năm. Sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ phát triển.
Quản lý tài chính, ngân sách có nhiều cố gắng, tốc độ tăng bình quân thu chi ngân sách trên 14%/năm. Quản lý đất đai, môi trường đã có nhiều chuyển biến. Văn hóa - xã hội đã có bước phát triển; sự nghiệp văn hóa, y tế được chú trọng. Giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, giữ vững trong top đầu của tỉnh.
Chính sách xã hội được quan tâm, chăm lo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đồng bộ, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được duy trì và phát triển. Hoàn thành việc thí điểm dồn thửa, đổi ruộng theo kế hoạch.
Đạt được những thành tựu trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự điều hành kiên quyết, kịp thời của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự phấn đấu khắc phục khó khăn của các tầng lớp nhân dân vì vậy tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tiếp tục phát triển. Đạt được kết quả đó không thể không nhắc đến việc ban hành các Nghị quyết chuyên đề, các đề án phát triển kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015 - 2020 và sự chỉ đạo thành công của các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở tạo nên sự phát triển ổn định, toàn diện và bền vững trên tất cả các lĩnh vực.
Huyện Yên Lạc xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025
Phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020; trên cơ sở mục tiêu, giải pháp tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Lạc quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục tranh thủ thời cơ, phát huy tiềm năng lợi thế, thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển; Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; Tiếp tục khắc phục những khó khăn, đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm, trong đó:
Một là: Quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, rau, hoa có giá trị kinh tế cao. Đưa các giống lúa, cây trồng có chất lượng, năng suất cao thay thế các giống cũ. Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và giống mới trong nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi cá theo công nghệ sông trong ao. Cải tạo diện tích đất trũng sản xuất một vụ lúa không chắc chắn sang một vụ lúa, một vụ cá.
Hai là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo, tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025 đều đạt các chỉ tiêu đã đề ra.
Ba là: Thực hiện tốt các biện pháp tăng thu ngân sách, quản lý và điều hành chi ngân sách theo đúng quy định; tốc độ tăng bình quân thu chi ngân sách trên 15%/năm. Chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bốn là: Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn huyện. Chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình, dự án để đảm bảo thi công đúng tiến độ, kế hoạch. Phát triển các cụm công nghiệp, khu đô thị mới; thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Năm là: Từng bước đưa công tác quản lý đất đai theo công nghệ hiện đại, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản xây dựng xong hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng hiện đại trên cơ sở xây dựng mô hình tổ chức tiên tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại. Tích cực, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên. Quản lý việc sử dụng khoáng sản một cách tiết kiệm hiệu quả. Có giải pháp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường (rác thải, chất thải, khí thải). Thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn huyện. Các trục giao thông chính của các thôn, làng có hệ thống rãnh thoát nước thải có nắp đậy để điều tiết nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung...
Sáu là: Thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quan tâm, đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất các trường học để xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II và trường chất lượng cao. Duy trì thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
Bảy là: Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trên địa bàn huyện, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở nhằm ổn định tình hình nhân dân.
Tám là: Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, cùng với những kết quả đã đạt được, với ý chí và tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Lạc đoàn kết, thống nhất, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Nguyễn Xuân Thông (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc)