Theo đó, giá gạo tại các chợ dân sinh đã đồng loạt tăng lên đáng kể, từ khoảng 13.000 Rp/kg (0,83 USD) lên khoảng 16.000-17.000 Rp/kg (1,02-1,08 USD).
Còn Hiệp hội Doanh nhân Bán lẻ Indonesia (Arprindo) cũng phản ánh về những khó khăn trong việc nhập gạo chất lượng cao quy cách đóng gói 5kg. Trước tình hình này, người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas), Arief Prasetyo Adi cho biết cơ quan này đang thực hiện 5 biện pháp để đảm bảo nguồn cung gạo và ổn định giá cả trên toàn quốc.
Cụ thể hơn, các biện pháp bao gồm đẩy nhanh quá trình dỡ hàng cho các tàu chở gạo nhập khẩu tại nhiều cảng trên cả nước; tiếp tục phân phối 200.000 tấn gạo thương mại từ Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog), trong đó có 50.000 tấn cho chợ gạo trung tâm Cipinang ở Jakarta; phân phối gạo theo chương trình Bình ổn giá và cung cấp thực phẩm (SPHP) tới các chợ truyền thống và hệ thống cửa hàng bán lẻ, đồng thời tiếp tục chiến dịch Thực phẩm giá rẻ (GPM) trên toàn quốc.
“Khoảng 1,2 triệu tấn gạo sẽ được phân phối tới các cửa hàng. Việc phân phối hỗ trợ gạo sẽ vẫn diễn ra vào ngày 15/2, sau cuộc tổng tuyển cử năm 2024 vào ngày 14/2”, ông Arief cho biết.
Trước đó, từ ngày 8/1 đến ngày 14/2 chính phủ đã tạm thời dừng việc phân phối hỗ trợ gạo để đảm bảo các hoạt động bầu cử. Ông cũng khẳng định đây là kế hoạch từ trước và không có sự chính trị hóa trong việc hỗ trợ lương thực. Trước vụ thu hoạch lớn dự kiến vào tháng 3, Bapanas, Bộ Nông nghiệp Indonesia và các bên liên quan sẽ tối ưu hóa việc thu mua, phân phối sản lượng gạo trong nước để ngăn chặn tình trạng mất giá ở khu vực người nông dân sản xuất lúa gạo.
Indonesia cũng ưu tiên việc bổ sung gạo cho kho dự trữ lương thực Chính phủ (CPP) từ nguồn gạo sản xuất trong nước.
Minh An (t/h)