Một trong những điều kiện đầu tiên để được vay vốn là doanh nghiệp phải có đủ khả năng trả nợ
Nguyên nhân chính của tốc độ trên theo lý giải của NHNN là do nhu cầu vay vốn thấp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở khía cạnh này, tăng trưởng tín dụng trở thành một trong những chỉ báo cùng phản ánh thực tế và triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong và sau đại dịch.
Ngân hàng có tiền nhưng lo… nợ xấu
TS. Võ Trí Thành phát biểu, ngân hàng chắc chắn cần người gửi tiền, cần doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp có nhiều cách huy động vốn. Ở Việt Nam, tình hình tài chính đang do hệ thống ngân hàng chi phối.
Vậy nên doanh nghiệp cần ngân hàng và ngân hàng cần doanh nghiệp. Khi chưa có Covid-19 mọi chuyện cũng không hề đơn giản, quan hệ ấy có thể là cùng thắng, cũng có thể là một bên thua một bên thằng và thậm tệ nhất là 2 bên cùng thua.
Với Covid-19, khi mà chuỗi cung ứng khó khăn, thu nhập thế giới suy giảm, cơ hội làm ăn không còn nhiều như bình thường. Về phía ngân hàng, tiền có thể có nhưng lo nợ xấu. Ban đầu, VAMC dự tính sẽ hoàn thành trong 5 năm, tuy nhiên dù rằng cho đến giờ 8 năm, gần 10 năm rồi vẫn chưa giải quyết xong.
Giờ đây nếu cục nợ xấu bùng phát, không nhẽ lại 10 năm nữa. Trong bối cảnh hiện tại, cần phải rất quyết liệt và nhanh. Giải pháp vừa rồi của chính phủ có thể chưa hoàn hảo nhưng cần nhát phải làm nhanh.
TS. Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hanoisme cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra giải pháp giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp.
“Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong quá tình quan sát và hỗ trợ doanh nghiệp, Hanoisme nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng đến công tác thị trường, nhất là các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng 80-90%”, ông nói.
Cũng theo Phó chủ tịch Hanoisme, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01, hỗ trợ trực tiếp cho nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, Hanoisme đã hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội hoàn thiện các thủ tục để có thể thụ hưởng từ Thông tư 01.
“Một trong những điều kiện đầu tiên để được vay vốn là doanh nghiệp phải có đủ khả năng trả nợ. Đây cũng là việc đang gây khó giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ngân hàng, nên tôi mong muốn tọa đàm hôm nay tìm ra lời giải để kết nối cung cầu vốn, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp”, TS. Mạc Quốc Anh nói.
Tính đến ngày 29/5, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ ở mức 1,96% so với cuối năm 2019. Đây là mức tăng trưởng rất thấp so với mức 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% cùng kỳ năm 2018, dù hệ thống ngân hàng thương mại đã sẵn sàng các gói tín dụng ưu đãi quy mô lên tới khoảng 600.000 tỷ đồng.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, một trong những nguyên nhân chính của tốc độ trên là nhu cầu vay vốn thấp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở khía cạnh này, tăng trưởng tín dụng trở thành một trong những chỉ báo cùng phản ánh thực tế và triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong và sau đại dịch.
Ở một chỉ báo khác, thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đã thể hiện đà hồi phục mạnh hơn hai tháng qua. Nhưng xu hướng này có bền vững hay không với thực trạng và triển vọng phục hồi nền kinh tế?
Trong khi đó, qua hơn ba tháng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát thành công và thiết lập trạng thái “bình thường mới”, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, còn những hệ quả nặng nề từ đại dịch.
Đến nay, các guồng quay của nền kinh tế đang dần trở lại sau khi gỡ bỏ giãn cách xã hội; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bước vào chu kỳ cao điểm thường thấy trong năm. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh đã thuận lợi hơn chưa, và liệu các kênh dẫn vốn đã thực sự được thúc đẩy để cùng tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19?
DN than: “Vay vốn ngân hàng khó quá”
Về phía DN, ông Bùi Ngọc Tường (Tập đoàn Đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành) kể, hiện doanh nghiệp ông đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên khắp cả nước, thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức thuộc nhóm doanh nghiệp được ưu tiên, “nhưng vẫn thấy vay vốn ngân hàng khó quá”.
“Hiện vốn điều lệ của chúng tôi là 120 tỷ đồng trong khi lại đầu tư tới hơn 20 nhà máy nước nên nhu cầu vay vốn rất lớn. Tuy nhiên, để vay vốn, thì các ngân hàng đòi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, mà tài sản thế chấp đó phải thuộc về người sáng lập, không thể lấy tài sản của các bộ nhân viên ra thế chấp được. Như vậy thì khó quá!”, ông Tường nói.
"Thêm nữa, các ngân hàng cũng không chấp nhận tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai càng khiến cho cánh cửa vay vốn của chúng tôi thu hẹp lại".
"Cho tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp tôi chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng. Về dòng tiền, mỗi tháng chúng tôi có khoảng 2 tỷ đồng chảy vào tài khoản tại ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Long Biên, tuy nhiên, 10 năm nay chúng tôi vẫn chưa vay được đồng vốn nào tại đây".
Giãi bày tại tọa đàm, ông Dương Văn Dân, Giám đốc CTCP Bigsun Việt Nam nói, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất thiếu vốn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng thiếu kinh nghiệm quản trị và tài sản đảm bảo.
90% các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thiếu tài sản đảm bảo nên khi rơi vào khó khăn lại càng khó tiếp cận nguồn vốn. Khi có nguồn tiền về ngân hàng chỉ muốn thu lại khoản vay, chứ không muốn cho vay thêm. Cho nên, ông Dân đặt câu hỏi: ngân hàng liệu có giải pháp gì để giãn nợ và nới lỏng điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp khó khăn về vốn?
Trong khi đó, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội nói, ở góc độ doanh nghiệp, ông tán thành ý kiến của ông Võ Trí Thành là Chính phủ phải quyết tâm và nhanh.
Ông kể, hôm qua Chính phủ vừa đồng ý cho ngành nông nghiệp nhập khẩu heo sống thương mại từ Thái Lan về Việt Nam. Đây là ý kiến của ông trong một tọa đàm gần đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
“Mặc dù doanh nghiệp của tôi đang sản xuất heo tươi nội địa nhưng chúng tôi chấp nhận điều này. Bên cạnh đó, theo tôi, hiện nay, thuế nhập khẩu heo đang là 15% thì nên giảm xuống 0%, chứ không nên chỉ 10%”, ông nói.
Theo ông Dũng, hiện nay ở biên giới phía Nam, mỗi ngày có khoảng 10.000 con heo đi đường tiểu ngạch về Việt Nam, các cơ quan cũng đau đầu về áp lực CPI. Tuy giá heo đã giảm xuống 90.000-91.000 đồng/kg rồi, song nguồn cung heo vẫn thiếu nên việc nhập khẩu thịt heo sẽ giúp giá thịt heo trong nước giảm xuống.
Ông nói, doanh nghiệp hiện nay rất cần tiền, nhưng không phải chỉ cho bằng cách vay vốn, thay vào đó, cần có những chính sách nhanh, nhưng phải khớp để tạo ra lòng tin cho doanh nghiệp, mà có lòng tin là có tất cả.
“Doanh nghiệp chúng tôi cũng có điều lệ, nhân viên có điều lệ, đối tác có hợp đồng, nên doanh nghiệp chỉ mong chính sách nhanh và khớp, mang tính thực tiễn. Tôi không muốn các doanh nghiệp chỉ kêu ca, mà kêu ca thì không có thời gian để làm”.
Kiều Tuyết