Người tiêu dùng hốt hoảng khi mở hộp bánh
Người tiêu dùng hốt hoảng khi mở hộp bánh (Ảnh: QN)

Thời gian qua, PV nhận được phản ánh từ bạn đọc về việc những gói bánh vỏ “sịn” ruột “dởm”, hay như việc những gói bánh hết hạn sử dụng vẫn được trà trộn bán cho người tiêu dùng, nhưng không biết kêu ai?

Anh T.N.T ở Hải Phòng phản ánh, gói bánh nhìn “sịn lắm”, sang trọng lắm, nhìn như bánh ngoại (Nhật) nhưng lại không phải, có hôp thì đã hết hạn sử dụng.

Cụ thể, hộp bánh của cơ sở sản xuất Minh Thu (địa chỉ tại số 3/24 Ngọc Lâm, Hà Nội), hình ảnh quảng cáo bên ngoài là có 5 loại bánh (còn có ghi chú là bánh quy bơ vừng), nhưng bên trong chỉ có 1 loại bánh quy duy nhất và không có vừng, hạn sử dụng cũng đã hết từ lâu, nhưng vẫn được những gian thương trà trộn đóng gói bán cho người tiêu dùng.

Hay như hộp bánh của Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Tân Vương (địa chỉ sản xuất tại Tân Minh, Thường Tín, Hà Nội), có hình ảnh quảng cáo bên ngoài hoàn toàn khác với bên trong về cả quy cách đóng gói, vỏ bao bì, với nhiều chữ nước ngoài…

Chưa hết, bên ngoài hộp bánh còn in hình ảnh Cúp Vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng, Huy chương Vàng thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng và có Số đăng ký chất lượng 1616/2005/YTHN-XNCB. Tuy nhiên, bánh bên trong không hề giống hình ảnh quảng cáo bên ngoài hộp bánh?

Hình ảnh bên ngoài vỏ hộp và sản phẩm bên trong hộp khác hẳn nhau
Hình ảnh bên ngoài vỏ hộp và sản phẩm bên trong hộp khác hẳn nhau (Ảnh: QN)

Với sự khác nhau hoàn toàn cả về khuôn mẫu và chủng loại giữa hình ảnh quảng cáo, cũng như tên bánh ngoài vỏ hộp và những chiếc bánh thật bên trong, khiến khách hàng bị đánh lừa một cách trắng trợn mà không ai chịu trách nhiệm về sự gian dối này?

Tại điểm 6, Điều 8 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ: Người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Khách hàng bị đánh lừa bởi vỏ hộp
Khách hàng bị đánh lừa bởi vỏ hộp "sịn sò" (Ảnh: QN)

Việc kinh doanh các sản phẩm đã hết hạn sử dụng, các sản phẩm làm nhái và cố tình làm hiểu sai về sản phẩm bằng việc sử dụng các hình ảnh quảng cáo không đúng với sản phẩm thực tế, cần được xử lý nghiêm minh.

những chiếc bánh trong vỏ hộp
Những chiếc bánh trong vỏ hộp "sịn sò" (Ảnh: QN)

Việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh; khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng; giá, công dụng; kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu; xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ; thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố..., sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tại khoản 5, Điều 51 - Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm đối với hành vi quảng cáo ai sự thật. Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 - Bộ luật Hình sự 2015.

Hình ảnh bên ngoài hộp bánh giống với hình ảnh của loại bánh Cane river
Hình ảnh bên ngoài hộp bánh giống với hình ảnh của loại bánh Cane river (Ảnh: Internet)

Để người tiêu dùng tới đây không bị nhầm lẫn bởi sự tồn tại của kiểu kinh doanh "treo đầu dê bán thịt chó", đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật, buôn bán hàng hóa kém chất lượng.

Quỳnh Nga