Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam về kiểm soát giấy tờ đi máy bay đối với hành khách nhập cảnh, quá cảnh.

Theo thống kê của ngành hàng không năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, số lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam bị từ chối nhập cảnh tại các cảng hàng không trên cả nước tăng mạnh.

Như năm 2020 có 506 trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh, năm 2021 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, có rất ít chuyến bay thương mại quốc tế đến Việt Nam, do đó chỉ có 5 trường hợp; năm 2022 có 404 trường hợp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, năm 2023 có 886 trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã có trên 600 trường hợp bị từ chối nhập cảnh.

Việc gia tăng các trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh gây thiệt hại cho hãng vận chuyển, tạo áp lực lên sân bay (nơi hành khách được quản lý để đưa trở lại nơi xuất phát); đồng thời tiềm ẩn rủi ro mất an ninh, an toàn, trật tự tại sân bay, trên máy bay.

Do đó, để giảm thiểu hành khách bị từ chối nhập cảnh, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không khai thác các chuyến bay thường lệ quốc tế đến Việt Nam có biện pháp hiệu quả để giảm thiểu hành khách bị từ chối nhập cảnh.

Cục Hàng không cũng lưu ý các hãng hàng không phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi cho hành khách lên máy bay để đảm bảo rằng, hành khách đáp ứng đủ, đúng các giấy tờ do quốc gia quá cảnh và quốc gia đến quy định, cũng như kịp thời cập nhật các quy định của Việt Nam và quốc tế về xuất, nhập cảnh, quá cảnh liên quan đến hành khách đi máy bay.

Đồng thời, đề nghị Nhà chức trách, lực lượng chức năng nơi máy bay xuất phát (trước khi bay đến Việt Nam) kiểm soát chặt chẽ giấy tờ của hành khách nhằm hạn chế đến mức tối thiểu các trường hợp không đủ điều kiện nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam do nguyên nhân giấy tờ đi máy bay.

Ngoài ra, các hãng hàng không cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến hành khách đi máy bay, đến các công ty lữ hành liên quan về các quy định đối với giấy tờ đi máy bay; ưu tiên trọng điểm trong tuyên truyền cũng như trao đổi, làm việc với các nhà chức trách, lực lượng chức năng nơi máy bay xuất phát liên quan để có hình thức tuyên truyền phù hợp nhất.

Theo Tổ thường trực Hội đồng đánh giá rủi ro an ninh hàng không quốc gia, việc sử dụng hộ chiếu giả hoặc các vụ liên quan đến giấy tờ đi lại trên chuyến bay quốc tế có xu hướng gia tăng từ năm 2022 đến nay trên toàn cầu.

Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có năng lực đảm bảo an toàn của ngành hàng không cao

Đoàn Thanh sát An toàn hàng không toàn cầu-Giám sát liên tục USOAP-CMA (Universal Safety Oversight Audit Programme- Continuous Monitoring Approach) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO- International Civil Aviation Organisation) đã thực hiện đánh giá tổng thể năng lực đảm bản an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam từ ngày 15/5 – 27/5/2024. Các cuộc thanh sát an toàn hàng không là nhằm đạt được mục tiêu hàng đầu của ICAO là đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng không quốc tế trên toàn thế giới, xử lý các mối quan ngại nghiệm trọng về an toàn hàng không được chỉ ra thông qua các đợt thanh sát về an toàn.

Mới đây, ICAO đã gửi dự thảo Báo cáo kết quả thanh sát USOAP-CMA cho Việt Nam, với các kết quả cụ thể thực hiện hiệu quả trong từng lĩnh vực như sau: Hệ thống pháp luật (LEG) đạt 71,43%; Cơ cấu tổ chức (ORG) đạt 81,82%; Cấp phép nhân viên (PEL) đạt 85,88%; Khai thác máy bay (OPS) đạt 85,71%; Đủ điều kiện bay của máy bay (AIR) đạt 79,25%; Điều tra tai nạn, sự cố máy bay (AIG) đạt 30,12%; Quản lý hoạt động bay (ANS) đạt 91,80% và Quản lý cảng hàng không sân bay (AGA) đạt 83,85%. Với các kết quả tổng thể đạt 78,14%. Đây là mức cao hơn so với yêu cầu của ICAO đối với các quốc gia về đạt điểm số trung bình là 75% (so với mục tiêu 75% của Chương trình an toàn toàn cầu về hàng không của ICAO – Global Aviation Safety Plan).

Hoàng Bách (t/h)