Kỳ họp năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 26/02-01/03 và có sự tham gia của đại diện tất cả 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc (LHQ) để cùng thảo luận, giải quyết các vấn đề quan trọng về môi trường mà thế giới đang phải đối mặt.

Phát biểu trước báo giới, Giám đốc Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen cho biết, 6 chủ đề ưu tiên của kỳ họp lần này bao gồm: khan hiếm nước, khai thác một cách có trách nhiệm, quản lý khoáng sản nhất là phốt-pho, công nghệ biến đổi khí hậu, nguồn kinh phí cho các hành động môi trường và thực thi Khuôn khổ Côn Minh- Montreal.

Bà Inger Andersen nhấn mạnh, kỳ họp là cơ hội để cộng đồng quốc tế hành động và cùng nhau thực hiện các giải pháp toàn cầu như đã hứa để có thể đảm bảo tương lai cho toàn thể nhân loại sống trên một hành tinh mạnh khỏe và thịnh vượng.

Một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc được tổ chức ở New York, Mỹ. (Ảnh: AP)
Một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc được tổ chức ở New York, Mỹ. (Ảnh: AP)

Cuộc họp ở Nairobi là phiên họp thứ 6 của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc với sự tham dự của các chính phủ, các nhóm xã hội dân sự, các nhà khoa học và khu vực tư nhân. UNEP dự kiến có hơn 70 bộ trưởng đại diện cho các chính phủ và 3.000 đại biểu tham dự các cuộc đàm phán.

Tại cuộc họp, các quốc gia thành viên thảo luận về một loạt dự thảo nghị quyết về nhiều vấn đề mà hội đồng thông qua trên cơ sở đồng thuận. Nếu một đề xuất được thông qua, nó sẽ tạo tiền đề cho các quốc gia thực hiện những gì đã được thống nhất.

Trong vòng đàm phán cuối cùng vào năm 2022 cũng tại Nairobi, các chính phủ đã thông qua tổng cộng 14 nghị quyết, trong đó bao gồm cả việc tạo ra một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn cầu. Theo nhận định của bà Andersen, đây có thể được coi như thỏa thuận đa phương về môi trường quan trọng nhất kể từ Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Tới cuộc họp năm 2024, các nước đã đệ trình tổng cộng 20 dự thảo nghị quyết để thảo luận, trong đó bao gồm cả cách tốt nhất để khôi phục những vùng đất bị suy thoái, chống bão bụi và giảm tác động lên môi trường từ việc khai thác kim loại và khoáng sản. Tuy nhiên do các quốc gia khác nhau có những ưu tiên khác nhau, việc đạt được sự đồng thuận trong các dự thảo nghị quyết thường tương đối khó khăn.

Bất chấp việc này, bà Andersen vẫn bày tỏ lòng tin vào kết quả cuộc họp khi cho biết các dự thảo nhìn chung đều ghi nhận “chuyển động tiến lên”. Với trọng tâm của cuộc họp xoay quanh chủ nghĩa đa phương, bà Andersen cho biết UNEP muốn thống nhất dựa trên các thỏa thuận trước đây giữa các chính phủ, chẳng hạn như Công ước Minamata để kiểm soát thủy ngân và Nghị định thư Montreal nhằm vá lỗ hổng trên tầng ozone.

Trong khi đó, ông Björn Beeler, điều phối viên quốc tế của tổ chức Mạng lưới Loại bỏ chất Ô nhiễm Quốc tế cho rằng, tiến triển đối với các vấn đề phức tạp hơn như tài trợ cho hóa chất và chất thải sẽ diễn ra chậm hơn.

Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc (UNEA) là thiết chế cấp cao ra các quyết định về môi trường do LHQ thành lập với nhiệm vụ vạch ra một tiến trình mới trên con đường cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết các thách thức phát triển bền vững về môi trường. Hiện 193 nước thành viên LHQ, các nước quan sát viên và các bên liên quan khác được tham gia các cuộc thảo luận và ra quyết định về các vấn đề có ảnh hưởng đến trạng thái của môi trường và phát triển bền vững toàn cầu. UNEA họp 02 năm một lần.

Thiên Trường (t/h)