Bài 1: Cát tặc lộng hành “rút ruột” hồ Dầu Tiếng, cơ quan chức năng làm ngơ?

Hồ Dầu Tiếng, một trong những hồ được xếp vào diện hồ an ninh quốc gia, thế nhưng mỗi ngày cả trăm chiếc tàu lớn nhỏ, ra sức bơm hút cát từ đáy hồ, những núi cát khổng lồ ùn ùn mọc lên ven bờ, đẩy hồ Dầu Tiếng vào tình trạng  đang chết dần. Người dân quanh khu vực hoang mang và nghi ngờ, lãnh đạo địa phương có làm ngơ?

Cát tặc lộng hành như chốn không người, có dấu hiệu bảo kê?

Năm trên địa bàn ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, với diện tích 27.000 ha, dung tích 1,58 tỉ m3, hồ Dầu Tiếng cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp cho TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An; cung cấp nước tưới trực tiếp cho 100.000 ha đất nông nghiệp 1 vụ cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và TP.Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của các chuyên gia thủy lợi, hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ được xếp vào diện hồ an ninh quốc gia. Thế nhưng, nhiều năm nay lòng hồ Dầu Tiếng đang trở thành nơi để các doanh nghiệp đua nhau cắm vòi hút cát bất kể ngày đêm. Nước hồ từ màu xanh biếc trở nên đục ngầu. Cát tặc ngày đêm lộng hành, khai thác triệt để ảnh hưởng đến môi trường sinh thái lòng hồ, sạt lở bờ kè.

Khai thác cát ồ ạt tại hồ Dầu Tiếng: Ai đang

Cảnh khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh ĐT

Giữa tháng 9/2018, PV có mặt tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương chứng kiến trực tiếp cảnh khai thác cát bát nháo tại đây. Cả trăm chiếc tàu lớn nhỏ,  ra sức hút cát từ đáy hồ, tiếng máy nổ kêu inh ỏi bất kể ngày đêm. Những núi cát khổng lồ ùn ùn mọc lên ven bờ hồ. Hàng trăm xe tải lớn ra vào chở cát, quần thảo khiến con đường vào xã Minh Hòa nát bươm, đầy rẫy “ổ trâu, ổ voi”.

Anh M.Đ 32 tuổi, một người dân sống gần khu vực cho biết: “Ban ngày có khoảng 15 điểm hút cát, mỗi điểm có khoảng 40-50 tàu tham gia. Còn ban đêm có bao nhiêu thì khó mà đếm hết được”. Ngày 10/8, Công an Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản cát trái phép ở khu vực hồ Dầu Tiếng nhưng “Cha chung làm gì có ai khóc”, nên tỉnh nào cũng cố thu lợi về mình?

Chị Nguyễn Thị L. (41 tuổi), người dân tại xã Minh Hòa huyện Dầu Tiếng, Bình Dương bức xúc: “Tàu cát thì ầm ầm ngày đêm, xe tải lao như ngựa sắt cả ngày, đường nát bươm, tối mà đi không cẩn thận thì ăn tai nạn, cứ mưa xuống là đường cũng thành lòng hồ, ai đi qua cũng ngã. Việc khai thác làm gì có chuyện chính quyền không biết, chẳng qua là “nhắm mắt làm ngơ” mà thôi. Người dân thì mất nhà, mất đất. Trước đây lòng hồ thoai thoải, có nhỡ chân rơi xuống cũng không sao, giờ lòng hồ sâu thăm thẳm, có sẩy chân xuống cũng mất xác, người biết bơi cũng chẳng ngoi lên được”.

Theo thống kê từ cơ quan quản lý hồ Dầu Tiếng chỉ riêng khu vực Bình Dương có khoảng 270 chiếc tàu đang hoạt động khai thác cát trong lồng hồ Dầu Tiếng, trong khi đó địa phương này mới chỉ cấp phép cho 1 đơn vị. Theo quy định, đối với 1 giấy phép hoạt động khai thác cát chỉ được 6 chiếc tàu.

Tuy nhiên, hàng chục bến bãi trái phép vẫn mọc nên như nấm trên địa phận tỉnh Bình Dương. Các bến bãi hoạt động rầm rộ bất chấp pháp luật, trong khi đó chính quyền địa phương vẫn không giải quyết dứt điểm. Theo ghi nhận của Phóng viên quanh khu vực hồ Dầu Tiếng, người dân nơi đây vô cùng bức xúc, họ cho rằng “chính quyền 3 tỉnh đang cố “chạy đua” trong việc cấp phép mới cho các đơn vị khai thác cát?

Ông B.H (77 tuổi) tâm sư: Tôi sống cuối đời rồi, chưa bao giờ thấy lo lắng cho người dân ở đây như vậy. Lòng hồ ngày càng sâu, bờ kè nham nhở, lũ quét thiên tai lúc nào không hay. Việc khai thác quá mức dẫn đến vỡ đập thì thiên tai, hoạn nạn cả một vùng!? những cán bộ được giao trách nhiệm chỉ vì lợi ích của cá nhân mình cứ “làm ngơ” cho cát tặc “lộng hành” thì mất hết lòng tin với nhân dân.

Theo đánh giá của các chuyên gia thủy lợi, hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ được xếp vào diện hồ an ninh quốc gia. Sự nghi ngờ, hoang mang của người dân không phải là không có cơ sở khi cát tặc vẫn ngày đêm lộng hành trên hồ Dầu Tiếng, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích của người dân khu vực mà còn ảnh hưởng đến sự an nguy của người dân cả một vùng. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc để trấn an lòng dân, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Vi phạm nghiêm trọng có thể xử lý hình sự

Trước tình trạng khai thác cát trái phép ở hồ Dầu Tiếng, ngày 10/8, Công an Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản cát trái phép ở khu vực hồ Dầu Tiếng.

Báo cáo về tình hình khai thác khoáng sản cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, đại diện Công an tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước cho biết đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 30 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cát trên lòng hồ Dầu Tiếng. Đồng thời tiến hành khảo sát thực tế và xác định 82 tàu có trang bị dụng cụ bơm hút cát nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác của DN ở trên địa bàn của 3 tỉnh.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận tình hình khai thác các trái phép trên lòng hồ Dầu Tiếng vẫn còn phức tạp vì “cát tặc” chỉ tạm ngưng trong thời gian lực lượng đi kiểm tra còn sau đó thì hoạt động trở lại với số lượng tàu tham gia lớn hơn.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 8555/VPCP-V.I ngày 7/9/2018 về kết quả xử lý thông tin phản ánh của báo chí xảy ra tại hồ Dầu Tiếng nêu rõ: Xét báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh tại Văn bản số 234/BC-UBND ngày 30/7/2018; UBND tỉnh Bình Phước tại Văn bản số 2114/UBND-KT ngày 25/7/2018 và Văn bản số 165/BC-UBND ngày 31/7/2018 của UBND tỉnh Bình Dương về kết quả xử lý thông tin phản ánh của báo chí xảy ra trên hồ Dầu Tiếng.

Qua đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau: UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình phước và Bình Dương tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 25 tháng 7 năm 2017 và Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 6/4/2018 của Văn phòng Chính phủ. Các tỉnh chủ động phối hợp, chấn chỉnh và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển, tập kết cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

“Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiên quyết xử lý, tịch thu phương tiện vi phạm hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Chuyển xử lý hình sự những trường hợp vi phạm nghiêm trọng theo quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động trái phép trên hồ Dầu Tiếng”, văn bản nêu rõ.

Hành vi khai thác cát mà không có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là hành vi khai thác cát (một loại khoáng sản) trái phép và phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 34 Nghị định 142/2013/NĐ-CP hành vi khai thác cát trái phép sẽ bị phạt như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. Cụ thể: a) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng khoáng sản sau khai thác để cho, tặng người khác; b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó.

3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó. Cụ thể: a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho dự án, công trình khác; b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác

Hải Đăng