Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, số lượng khách du lịch đến các điểm tham quan đều tăng cao so cùng kỳ năm 2017, khiến hầu hết các điểm đều quá tải. Theo thống kê từ Sở Du lịch TP Ðà Nẵng, chỉ trong bốn ngày nghỉ lễ, lượng khách đến Ðà Nẵng ước tính đạt gần 343 nghìn lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, chùa Linh Ứng và bán đảo Sơn Trà luôn trong tình trạng kẹt cứng người đến lễ chùa và tham quan.

Tại Phú Yên, theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 25-4 đến 1-5, tỉnh này ước đón khoảng 34.120 lượt khách du lịch, tăng 30% so cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, tại Quảng Bình, chỉ trong hai ngày 29 và 30-4, lượng khách đến Phong Nha - Tiên Sơn là hơn 15 nghìn người, riêng tuyến sông Chày - hang Tối thu hút gần 12 nghìn người. Trong khi đó, tổng lượt khách lưu trú tại TP Cần Thơ… cũng ước đạt khoảng 19 nghìn lượt khách, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2017. Nhu cầu du lịch của người dân ngày càng tăng cao nên trên thực tế hoạt động du lịch diễn ra sôi động quanh năm. Khách du lịch tăng đều qua các năm và thường tập trung đông tại các điểm du lịch nổi tiếng, di sản văn hóa, lịch sử, tự nhiên có giá trị.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội mà hoạt động này mang lại, các điểm du lịch, di sản cũng đang phải đối mặt với nhiều tác động không mong muốn. Cùng với tác động của thời gian, của điều kiện khí hậu, thì tình trạng quá tải du khách ở mỗi địa điểm sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường, không gian, cảnh quan, như tình trạng người chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên các khu vực cần được gìn giữ, bảo tồn; hàng quán mọc tràn lan; rác xả bừa bãi,… Bên cạnh đó, lượng khách du lịch tăng đồng thời làm tăng nhu cầu về nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn,… trong khi cơ sở hạ tầng, hệ thống xả thải chưa được đầu tư, chú trọng đúng mức. Thậm chí, tại một số điểm du lịch gần biển, không ít nhà hàng, khách sạn còn xả thẳng nước thải sinh hoạt ra biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và hệ sinh thái khu vực.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều di sản, di tích phong phú, có giá trị. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, tổng số di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là 26, trong đó có tám di sản văn hóa và thiên nhiên, sáu di sản tư liệu và 12 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tổng số di tích quốc gia đã được xếp hạng tính đến ngày 31-12-2017 là 3.447; tổng số di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng là 95. Ngoài ra, đường bờ biển kéo dài với nhiều bãi tắm đẹp mang lại cho nước ta thế mạnh về du lịch biển. Ðây là những tài sản vô giá của quốc gia, không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử mà còn tạo ra nguồn lợi đáng kể về mặt kinh tế, nhất là khi du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của đất nước. Cũng theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2017, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 12,9 triệu lượt; số khách du lịch trong nước là 73,2 triệu lượt và tổng thu từ khách du lịch đạt 510.900 tỷ đồng.

Di sản và du lịch là hai lĩnh vực vừa bổ trợ cho nhau, lại vừa dễ nảy sinh mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Di sản và điểm đến là các yếu tố chính thu hút khách du lịch hằng năm, nói cách khác, là một trong các "nguồn thu" của du lịch. Trong khi đó, du lịch góp phần quảng bá di sản, mang các giá trị văn hóa của đất nước đến với thế giới, đồng thời lợi ích kinh tế có được từ hoạt động du lịch cũng hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của du lịch đồng thời lại đưa di sản vào những nguy cơ bị mai một, tàn phá. Và đã có không ít bài học rất rõ về sự phát triển quá nóng của du lịch ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan cũng như phá hủy giá trị di sản.

Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), vẻ đẹp hoang sơ cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa ở đây đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Trong hai năm 2016 và 2017, lượng khách tăng đột biến khiến không chỉ người dân địa phương mà cả cơ quan quản lý cũng có phần lúng túng trong việc đưa ra những phương án phát triển hài hòa giữa du lịch và bảo tồn di sản, cảnh quan của địa phương. Nhu cầu mở rộng các bãi tắm, xây dựng đường sá, nhà nghỉ, khách sạn cao tầng, các khu nghỉ dưỡng,… trong khu vực di sản khiến cảnh quan nơi huyện đảo này có nguy cơ bị phá vỡ nghiêm trọng. Thí dụ nữa là thời gian gần đây "đại công trường" Sa Pa với ngổn ngang các công trình xây dựng, bụi bặm, không có bản sắc khiến không ít du khách thất vọng. Ðà Nẵng cũng là một trong các thành phố phát triển nhanh về du lịch, nhưng lại kéo theo tình trạng môi trường một số bãi biển bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính để xảy ra hiện tượng du lịch phát triển quá nóng, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, di tích, di sản là do chưa coi trọng, chưa đánh giá đúng giá trị của di sản trong mối tương quan với phát triển du lịch. Tài nguyên thiên nhiên, di sản là tiền đề cho du lịch, nên việc khai thác nguồn tài nguyên đó không hợp lý, không toàn diện, chắc chắn, sẽ đưa tới những hậu quả không mong muốn như thực tế đã diễn ra tại một số điểm du lịch đã kể trên. Ðể giải quyết tình trạng này cần có sự thay đổi trong tư duy phát triển du lịch. Thay vì thiên về khai thác tài nguyên thô, trên diện rộng với tư duy ăn xổi, cần tạo ra hoạt động du lịch đa dạng và gắn liền với bảo vệ môi trường, di sản. Việc bảo tồn di sản vẫn có thể thực hiện song song với việc phát triển du lịch nếu được làm đúng cách. Ðáng tiếc là một số dự án phát triển du lịch gần như chưa chú ý đến quá trình khảo sát để đưa ra đánh giá tổng quan có tính khoa học về các tác động có thể xảy ra với di sản, cũng như những ảnh hưởng về môi trường, hệ sinh thái của địa phương. Hoặc nếu có, vấn đề này cũng có phần bị xem nhẹ, thay vào đó, yếu tố lợi nhuận kinh tế được đề cao hơn. Trong khi đó, cư dân địa phương lại có tâm lý "ăn xổi", "tận thu", làm du lịch tùy tiện, bất chấp ảnh hưởng xấu đến di tích, cảnh quan hay di sản.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, không thể lấy lợi ích du lịch làm cái cớ trong cách ứng xử với nhiều di tích, di sản hiện nay, bởi khi quá coi trọng yếu tố phát triển du lịch sẽ phá vỡ không gian lịch sử của di tích, cảnh quan di sản. Việc phát triển du lịch quá nóng dẫn đến phá vỡ di sản cũng là trái với các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững của quốc tế. Công ước quốc tế về du lịch văn hóa trong việc quản lý du lịch ở những nơi có di sản quan trọng được Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS - trực thuộc UNESCO) thông qua tại Mexico (Mê-hi-cô) vào tháng 10-1999 đã đưa ra sáu nguyên tắc về du lịch văn hóa. Trong đó, Ðiều 2 của Nguyên tắc thứ hai nhấn mạnh: "Mối tương tác giữa các nguồn lực hoặc giá trị di sản và du lịch là động và luôn biến đổi, làm nảy sinh cả cơ hội lẫn thách thức, và có khả năng cả những xung đột. Các dự án, hoạt động và phát triển du lịch phải đạt được những kết quả tích cực và phải hạn chế những tác động bất lợi lên di sản và lối sống của cộng đồng chủ nhà, trong khi vẫn đáp ứng được các yêu cầu và ước mong của khách tham quan".

Ðồng thời, Ðiều 5 và Ðiều 6 của Nguyên tắc này cũng nêu rõ: "Các dự án phát triển du lịch và xây dựng cấu trúc hạ tầng phải lưu ý đến các phương diện thẩm mỹ, xã hội và văn hóa, các cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, các đặc trưng đa dạng sinh học, và phạm vi bao quát rộng lớn hơn cả các địa điểm di sản…"; "Trước khi các địa điểm di sản được xúc tiến hoặc phát triển cho du lịch mở rộng, các dự án quản lý phải đánh giá các giá trị thiên nhiên và văn hóa của nguồn lực. Rồi phải xác lập thỏa đáng những giới hạn thay đổi có thể chấp nhận được, nhất là về tác động của số lượng khách tham quan lên các đặc trưng hình thể, tính toàn vẹn, sinh thái và tính đa dạng sinh học của địa điểm, sự lui tới của người địa phương, hệ thống vận tải và phúc lợi xã hội, kinh tế và văn hóa của cộng đồng chủ nhà. Nếu mức độ có khả năng thay đổi mà không chấp nhận được thì dự án phát triển phải thay đổi". Thiết nghĩ, đây là các nguyên tắc cần được tuân thủ nghiêm túc khi thực hiện bất kỳ một dự án phát triển du lịch tại một địa phương nào.

Mỗi di sản đều là những tài sản quốc gia, mất đi là không thể lấy lại được hoặc mất rất nhiều năm mới kiến tạo được (đối với các di sản thiên nhiên). Trên thực tế, một số đảo nổi tiếng ở Ðông - Nam Á đã phải tạm ngừng đón khách du lịch để bảo vệ hệ sinh thái trước nguy cơ bị hủy diệt do bị khai thác quá đà và lượng khách du lịch không được kiểm soát. Vì thế, để di sản vẫn được bảo tồn vẹn nguyên các giá trị, cảnh quan, hệ sinh thái của địa phương không bị ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình phát triển du lịch, cần nhất là ý thức của mỗi người dân - chủ sở hữu thật sự của di sản. Mỗi cá nhân cần đối xử với di sản như với một tài sản vô giá. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần đánh giá đúng vai trò và giá trị của di sản, di tích trong tương quan với phát triển du lịch. Mỗi dự án phát triển du lịch cần tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, đánh giá những tác động của du lịch trên nhiều phương diện. Từ đó, chọn phương án thích hợp nhất với điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người của từng địa phương. Chỉ có như vậy, phát triển du lịch mới thật sự cân bằng và hài hòa với bảo tồn di sản, di tích.

Theo Báo Nhân dân