Khi ông Trump gặp ông Putin: Cơn ‘lốc xoáy' đảo lộn thế giới - Hình 1

Quan hệ của chúng tôi chưa bao giờ tồi tệ hơn lúc này. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khoảng 4 tiếng trước. Tôi thực sự tin là thế – Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói như vậy khi đang thăng hoa vì “thành công” của cuộc gặp “một đối một” chính thức đầu tiên khá “chóng vánh” với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan.

Tổng thống thích đàm phán đơn độc

Như một cơn “ác mộng” đối với một bộ phận học giả, tri thức ở Washington, Tổng thống Trump đã tuyên bố ông dự định gặp “một đối một” với Ông chủ Điện Kremlin, sẽ không còn ai khác ngoài những thông dịch viên cho họ. Điều đó không hẳn không được báo trước.

Ông Trump vốn thích đàm phán đơn độc, như cái cách ông đối mặt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6/2018, hay việc ông rút khỏi loạt thỏa thuận thương mại đa phương với lời hứa sẽ đạt được những thỏa thuận song phương tốt hơn nhiều cho nước Mỹ. Đó chính xác là phong cách ngoại giao của ông Trump.

Nếu mượn lời bài hát của Frank Sinatra được bật trong tiệc nhậm chức, khi Tổng thống Donald Trump khiêu vũ cùng bà Melania, thì ông ấy thích làm mọi việc “theo cách của mình” – My Way

Khi ông Trump gặp ông Putin: Cơn ‘lốc xoáy' đảo lộn thế giới - Hình 2

Chính giới Mỹ ai cũng biết vị Tổng thống xuất thân là tỷ phú của họ “dị ứng” với những cuộc thông báo chính sách ra sao.

Trước những lập luận thống thiết của các cố vấn, ông Trump đơn giản đáp lại rằng, ông không cần chuẩn bị cho cuộc gặp với ông Putin.

Nhưng đó là cách làm mà không ai trong giới ngoại giao thích thú hay ủng hộ bởi có quá nhiều rủi ro từ những lời nói “chót lưỡi, đầu môi”. Những nhà quan sát Mỹ ở cả 2 phe Dân chủ và Cộng hòa lo ngại rằng ông Trump có thể có những nhượng bộ với Nga để có thể có được một thỏa thuận nào đó về Syria và những vấn đề phức tạp khác.

Cựu điệp viên KGB trầm lặng

 Khi ông Trump gặp ông Putin: Cơn ‘lốc xoáy' đảo lộn thế giới - Hình 3

Tổng thống Nga Vladimia Putin trả lời phóng viên trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: EPA)

Với những ai đã quen với thứ “nghệ thuật đen tối” của ngoại giao và quyền lực chính trị thì chẳng có điều gì là ngẫu nhiên hay trùng hợp.

Vì thế chắc chắn không có chuyện “ngẫu nhiên” chỉ vài ngày trước khi kế hoạch tổ chức cuộc gặp Trump – Putin được công khai, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo truy tố 12 điệp viên Nga với cáo buộc họ đột nhập vào hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và chiến dịch tranh cử của ứng viên Tổng thống đảng này, bà Hillary Clinton.

Thông báo như vậy từ Washington đã trở nên “thường lệ” đến độ chúng khiến dư luận cảm thấy có phần nhàm chán. Thế nên, thậm chí cáo buộc đó là thật, thì việc công bố với dư luận rằng điệp viên Nga thăm dò nước Mỹ, vốn là công việc, nhiệm vụ của họ, còn có giá trị gì nữa?

Rõ ràng không phải “trùng hợp” khi đối mặt với Tổng thống Donald Trump tại Helsinki ngày 16/7/2018 là một cựu điệp viên KGB (Ủy ban An ninh Nhà nước Liên bang Xô viết), người khẳng định Nga “chưa bao giờ can thiệp” vào một cuộc chạy đua quyền lực ở Mỹ và sẽ không bao giờ làm thế trong tương lai.

“Bản thân tôi cũng từng là một sỹ quan tình báo”

Tổng thống Nga Putin thẳng thắn chia sẻ ngay tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp “một đối một” ở Helsinki.

Cuộc họp báo đó đối với ông Putin dễ dàng giống như là một cuộc dạo chơi khi Tổng thống Nga có thể thoải mái đề cập đến quãng thời gian dài hoạt động trong KGB và thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của ông đối với những kỹ năng tình báo còn người đồng cấp Mỹ thì tỏ ra nghi ngờ kết luận từ chính các cơ quan tình báo của Washington. Ông Putin thậm chí không bị “xoay” về việc Crimea sáp nhập Nga hay vụ rơi máy bay MH17 ở miền Đông Ukraine.

 Khi ông Trump gặp ông Putin: Cơn ‘lốc xoáy' đảo lộn thế giới - Hình 4

Tại cuộc họp báo, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về “quả bóng trách nhiệm” ở Syria, ông Putin bất ngờ lấy ra quả bóng World Cup trao cho ông Trump.(ảnh chụp màn hình)

“Thiết thực” là một từ rất khiêm tốn mà ông Putin dùng để miêu tả về cuộc gặp với ông Trump. Nhưng cấp dưới của ông, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì không giấu diếm nụ cười rất tươi khi chia sẻ với truyền thông rằng cuộc gặp này là “ngoài sức tưởng tượng… tuyệt vời hơn cả tuyệt vời”.

Từ “kẻ thù” thành “đối thủ”

Mọi chuyện có lẽ đã quá dễ dàng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin bởi ngay trước khi gặp ông, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ quan điểm cho rằng Moscow không phải là “kẻ thù” mà là chỉ là “đối thủ” của Mỹ.

Ngay từ đâu ông Trump đã tránh chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 hay gọi ông Putin là một mối đe dọa.

“Tôi không muốn ông ấy là kẻ thù và tôi đoán đó là lý do tại sao chúng ta có NATO” – ông Trump trả lời báo giới trước cuộc gặp ở Helsinki. “Hy vọng một ngày nào đó có thể ông ấy sẽ trở thành một người bạn”.

Khi ông Trump gặp ông Putin: Cơn ‘lốc xoáy' đảo lộn thế giới - Hình 5

Tổng thống Nga và Mỹ tại cuộc họp báo chung ở Helsinki. (Ảnh: Getty Images)

Nhưng một số nước và ngay trong lòng nước Mỹ cũng có những thế lực có quyết tâm mạnh mẽ tương tự như thế nhằm ngăn chặn ông Trump làm được điều đó bằng mọi giá.

Sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô viết, thế hệ các nghị sỹ Mỹ hiện nay dường như thấm nhuần tư tưởng thù địch với Nga “từ dòng sữa mẹ”.

Họ có 1 niềm tin không thể lung lay rằng tất cả những mưu đồ mờ ám đều xuất phát từ 1 nguồn duy nhất - Điện Kremlin.

Vì thế, bất cứ đề xuất nào về việc giảm căng thẳng với Nga cũng sẽ vấp phải sự phản ứng dữ dội và bị cáo buộc là chống Mỹ, chống lại Thiên Chúa, chống lại văn minh phương Tây và nhất là tác động xấu đến kinh tế. Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ chắc chắn không hào hứng với viễn cảnh thế giới đại đồng hòa bình bởi điều đó đồng nghĩa với việc phải giảm sản lượng tên lửa, tàu chiến, tàu ngầm…

Không ai biết 2 nhà lãnh đạo đã nói gì trong cuộc gặp “một đối một”. Nhưng những tuyên bố trước và sau đó của ông Trump đã khẳng định cơn “ác mộng” tồi tệ nhất của Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang trở thành sự thật.

Nhiều nhà bình luận đã bày tỏ sự bất ngờ. Nhưng có lẽ họ không nên lấy làm bất ngờ. Bởi đến thời điểm này, đáng lẽ không ai còn bàng hoàng với bất cứ điều gì mà ông Trump nói, nghĩ hay làm.

Và thực tế cũng không có gì đáng bất ngờ về cách ông Trump tiến hành cuộc gặp ở Helsinki, thậm chí là hoàn toàn có thể dự đoán được. Bởi nếu có điều gì mà mọi người có thể rút ra được sau gần 2 năm tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ thì đó là khi ông đã nói ông định làm gì thì tốt nhất là hãy tin ông.

Ông Trump chưa bao giờ che giấu mong muốn được đối mặt với Ông chủ Điện Kremlin.

“Tôi đã chuẩn bị cho điều này [Cuộc gặp Nga – Mỹ] suốt cả cuộc đời mình” – ông Trump nói với đám đông người ủng hộ ở Montana hồi đầu tháng 7/2018.

Từ khi còn tranh cử, ông Trump đã khen ông Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người mà ông muốn có quan hệ hữu hảo. Giờ đây, khi đã trở thành Ông chủ Nhà Trắng, ông Trump quyết tâm thực hiện lời hứa đó.

Khi ông Trump gặp ông Putin: Cơn ‘lốc xoáy' đảo lộn thế giới - Hình 6

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới – G7 – tại hội nghị hồi tháng 6/2018 ở Canada. (Ảnh: EPA)

Từ “bạn” thành “thù”?

Tổng thống Mỹ đặt chân đến châu Âu giữa lúc dư luận thế giới còn nhớ như in “bê bối” mà ông để lại ở Hội nghị Thượng đỉnh G7 (Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) hồi tháng 6. Ông Trump khi đó đã đồng ý thông qua tuyên bố chung, nhưng lại rời bỏ khỏi hội nghị sớm, sau đó chỉ đạo đại diện của Mỹ không ký vào văn bản này rồi đổ lỗi cho Thủ tướng chủ nhà Canada Justin Trudeau dối trá về nội dung tuyên bố chung.

Ông Trump tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này cũng với tâm thế đầy giận dữ. Ấn tượng mà ông để lại, ngoài những lời đe dọa và yêu cầu các nước đồng minh tăng cường chi tiêu quốc phòng, là cáo buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel là “con rối” của Nga, bị Moscow điều khiển vì các thỏa thuận năng lượng chung.

Khi ông Trump gặp ông Putin: Cơn ‘lốc xoáy' đảo lộn thế giới - Hình 7

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO 2018 ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AP)

Một nguyên thủ quốc gia rõ ràng là không nên can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước mà mình đến thăm, nhưng thông lệ không phải là thứ dành cho ông Trump.

Tại London, nơi Thủ tướng Anh Theresa May đang thấp thỏm chờ đợi chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ trong lúc nội các chia rẽ vì Brexit, ông Trump đã tiếp tay “xé nát” kế hoạch Brexit của bà May trong 1 cuộc phỏng vấn với The Sun, tờ báo Anh vốn thiên về tin tức giải trí. Ông Trump cho rằng bà May đã không nghe lời khuyên của ông khi đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) và đã không đưa ra được 1 kế hoạch Brexit đúng với nguyện vọng của người dân.

Ông Trump cũng ca ngợi cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người vừa từ chức để phản đối Brexit “mềm” của bà May, là “có tố chất trở thành Thủ tướng”, bất chấp thực tế rằng ông Boris Johnson giờ có thể coi là đối thủ chính trị của bà May.

Khi ông Trump gặp ông Putin: Cơn ‘lốc xoáy' đảo lộn thế giới - Hình 8

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May rời khỏi cuộc họp báo chung ngày 14/7. (Ảnh: Reuters)

Cuối cùng thì ông Trump cũng kết thúc chuyến thăm tưởng như dài vô tận đối với Thủ tướng Anh để lên máy bay đến Helsinki, để lại các chính khách chủ nhà trong trạng thái bàng hoàng, không thể tin rằng họ vừa tiếp đón lãnh đạo của một nước đồng minh.

Nhưng ngay khi các nhà bình luận chính trị quốc tế nghĩ rằng ông Trump không thể tạo thêm cú “sốc” nào nữa thì Tổng thống Mỹ chứng minh điều ngược lại.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố “EU là một đối thủ” vì những gì khối này đã làm trong thương mại với Mỹ.

“Mọi người có thể không bao giờ nghĩ đó sẽ là EU nhưng thực tế là vậy” – ông Trump nói. Trước khi có chuyến công du châu Âu, Tổng thống Trump cũng chỉ trích “EU tệ không khác gì Trung Quốc” khi đang có thặng dự thương mại với Mỹ hơn 100 tỉ USD mỗi năm.

“Ai gọi EU là đối thủ là người đang phát tán tin giả” - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk dùng chính ngôn từ quen thuộc của ông Trump – “tin giả” – để đáp lại phát ngôn gây sốc cho cả châu Âu kia.

Các đồng minh của Mỹ, trong đó có cả Anh, bề ngoài tuyên bố hoan nghênh cuộc gặp Nga – Mỹ tại Helsinki. Tất nhiên là như thế bởi họ khó có thể nói ra điều gì khác trong khi cuộc gặp đó được thu xếp mà không có sự tham vấn với những nước này. Nhưng trong lòng các đồng minh của Washington chắc chắn đã nổi cơn giống tố vì sự ấm lên bất thường của quan hệ Nga – Mỹ./.

Theo VOV