Ông Mathias Cormann, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)
Ông Mathias Cormann, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Trong báo cáo về nợ toàn cầu được công bố hôm thứ Năm (07/03), OECD cho biết, tổng số tiền vay - bao gồm trái phiếu đáo hạn tái cấp vốn cũng như trái phiếu phát hành mới - đã tăng lên 14.100 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 12.100 tỷ USD vào năm 2022. Tổng số đó sẽ còn tăng hơn nữa trong 2024 và sẽ vượt qua mức đỉnh 15.400 tỷ USD trước đó vào năm 2020, khi các chính phủ vay nợ mạnh mẽ để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Việc tái cấp vốn cho trái phiếu sẽ đạt mức cao kỷ lục 12.600 tỷ USD trong năm nay khi nhiều trái phiếu phát hành trong thời kỳ đại dịch đã đáo hạn.

Tuy nhiên, lạm phát gia tăng sau đại dịch đã đẩy lãi suất lên cao hơn và OECD ước tính chi phí trung bình của các khoản vay mới đối với các chính phủ đã tăng lên 4% vào năm 2023 từ mức 1% vào năm 2021.

Kết quả dẫn tới chi phí thanh toán lãi vay của các chính phủ đã tăng lên 2,9% sản lượng kinh tế hàng năm vào năm 2023 từ mức 2,3% vào năm 2021 và sẽ còn tăng thêm nữa. OECD cho biết, việc thay thế trái phiếu đáo hạn bằng trái phiếu phát hành mới trả lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí thanh toán lãi thêm 0,5% sản lượng kinh tế vào năm 2026.

Các chính phủ cũng sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc tìm người mua khoản nợ phát hành mới khi một nguồn cầu chính bị rút đi, nhiều ngân hàng trung ương hiện đang bán trái phiếu chính phủ mà họ đã mua trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát.

OECD cho biết, các ngân hàng trung ương ở các quốc gia thành viên sở hữu trái phiếu chính phủ với giá trị tương đương 30% sản lượng kinh tế hàng năm, gần bằng mức tăng tổng nợ chính phủ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

OECD cho biết: “Khi các ngân hàng trung ương bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán thông qua thắt chặt định lượng, nguồn cung trái phiếu ròng được thị trường rộng lớn hơn hấp thụ sẽ tăng lên mức kỷ lục… Điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ trái phiếu ngày càng được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nhạy cảm hơn về giá, chẳng hạn như khu vực tài chính phi ngân hàng và các hộ gia đình”.

OECD dự đoán nợ chính phủ tồn đọng ở các quốc gia thành viên sẽ tăng lên 56.000 tỷ USD trong năm nay từ mức 54.000 tỷ USD vào năm 2023.

Trong đó, tỷ trọng của Mỹ trong tổng số nợ đã tăng “đáng chú ý” trong những năm gần đây, chiếm gần một nửa tổng số vào năm 2023 và gấp đôi tỷ trọng của năm 2008.

Hà Trần (t/h)