Di tích lịch sử, văn hoá lịch sử có ý nghĩa to lớn
Nằm trong quần thể ATK - huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm An toàn khu tuyệt mật trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Cách đây 74 năm - ngày 27/7/1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, hơn 300 cán bộ và nhân dân đã tổ chức mít tinh, nghe công bố Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh liệt sỹ ở nước ta. 18 giờ, ngày 27/7/1947, một cuộc mít tinh với khoảng 300 người gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn thanh niên, Nha thông tin, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam và chính quyền địa phương đã dự cuộc mít tinh này.
Khu Di tích lịch sử, văn hoá lịch sử 27/7 có ý nghĩa to lớn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1997. Nơi đặt bát hương thờ các Anh hùng - Liệt sỹ toàn quốc, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, thăm quan và tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ. Nằm trong khuôn viên Khu di tích còn có Nghè ông, là nơi thờ tiến sĩ Đồng Doãn Khuê, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736). Nghè bà thờ hai công chúa Mai Hoa và Quế Hoa. Vào những dịp lễ, tết, ngày rằm mùng một, đông đảo cán bộ, nhân dân đến dâng hương, thưởng ngoạn cảnh quan một vùng đất địa linh, sơn thuỷ hữu tình. Đây cũng là điểm nối với tuyến thăm quan Khu du lịch Hồ Núi Cốc và đi thăm các khu di tích trong huyện Đại Từ nối với các điểm di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hoá và Tân Trào - Tuyên Quang.
Trải qua 74 năm “Ngày Thương binh liệt sỹ” được tổ chức trong hoàn cảnh khác nhau nhưng ngày 27/7 hằng năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tri ân với tất cả lòng thành kính, sự biết ơn với những công lao và đóng góp to lớn của các liệt sỹ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, với Tổ quốc.
Sự cần thiết bảo tồn và tôn tạo
Di tích quốc gia đặc biệt 27/7 là cụm di tích giá trị trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa huyện Đại Từ. Ngoài ra, còn ghi dấu một số sự kiện lịch sử tiêu biểu của xã, huyện và của đân tộc ta qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.Với giá trị tiêu biểu như trên Di tích cần phải được bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả, phát huy giá trị. Do đó việc tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm công bố ngày Thương binh - Liệt sỹ toàn quốc 27/7/1947, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là việc làm cần thiết và cấp bách.
Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, ngày 27/7/1997, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu di tích 27/7 và dựng bia kỉ niệm.
Năm 2013, toàn bộ hệ thống sân tiền sảnh đã được làm mới (lát bằng đá xanh) trị giá trên 2 tỷ đồng, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Công trình này làm tăng thêm vẻ đẹp linh thiêng trong tổng thể cảnh quan Di tích.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ban, ngành các cấp, đến nay Di tích 27/7 đã có một diện mạo khang trang, bề thế, thỏa lòng mong mỏi của chính quyền và nhân dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong quần thể khu di tích chưa có không gian truyền thống, thông tin, nơi trưng bày các di vật để người đến dâng hương tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử của khu di tích. Do đó trong quá trình quản lý và hoạt động, Ban quản lý di tích gặp rất nhiều khó khăn trong việc đoán tiếp khách thăm quan, dâng hương, cúng như tạo không khí trang nghiêm của khu di tích. Khu di tích chưa có lầu chuông, lầu trống...
Với tổng diện tích trên 2ha khi có những sự kiện lớn, các chương trình đại lễ thì sân bãi đã trở nên quá tải, chật chội, làm ảnh hưởng đến khâu tổ chức. Vì vậy Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên rất mong Đảng, Nhà nước, ban, ngành các cấp xem xét quy hoạch, mở rộng mặt bằng sân bãi để Di tích được xứng đáng với tầm vóc của khu di tích. Hiện trạng khu di tích có các hạng mục đã xây dựng bao gồm: Nhà thờ Bác Hồ; Nhà thờ tiến sỹ; Nhà thờ mẫu; Nhà đón tiếp; Nhà vệ sinh, cổng, tường rào và các hạng mục phụ trợ. Qua kiểm tra, hiện trạng công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, các hoa văn trang trí đơn giản; Mái ngói đã bị rêu mốc, bong tróc, phồng rộp, các họa tiết trang trí đầu cột, chân cột chốn, con chồng đơn điệu, Hệ thống cửa gỗ lâu ngày đã bị xuống cấp, sử dụng không an toàn.... Công trình được tu bổ, tôn tạo sẽ là một địa điểm, di tích lịch sử mang tính giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Hoàng Thiệp