KĐT “bỏ quên” xây trường học?
Thực tế, tình trạng chủ đầu tư xây dựng đô thị nhưng không xây trường học diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, nhiều KĐT đã hình thành 10-15 năm, nhưng trường học vẫn không có.
Có thể kể đến: KĐT mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Đài Phát thanh phát sóng Mễ Trì, KĐT Xuân Phương – Viglacera, KĐT Thành phố giao lưu, KĐT Ngoại giaođoàn, KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, KĐT Lê Trọng Tấn-Geleximco, KĐT mới Vân Canh, Khu nhà ở Vĩnh Hoàng, KĐT mới cầu Bươu, Khu nhà ở Thạch bàn, KĐT Đặng Xá…
Một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các KĐT mới, nhất là khu vực các quận trung tâm, đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các NĐT thứ cấp, nhưng cũng trong tình trạng chậm triển khai như KĐT tây nam hồ Linh Đàm; KĐT mới Pháp Vân - Tứ Hiệp…
Một trường tiểu học tại KĐT mới Trung Hòa - Nhân Chính
Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã chuyển giao 5 lô đất trường học cho các nhà đầu tư cấp 2, tại KĐT Việt Hưng, nhưng đến nay chỉ có 1 công trình trường học đã hoàn thành xây dựng.
5 ô đất quy hoạch xây dựng trường học, HUD đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất (NT1 và TH1) cho NĐT thứ phát, nhưng chưa xây dựng công trình; 2 ô đất (NT2, HT2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) đang vướng mắc, chưa hoàn thành GPMB.
KĐT tây nam hồ Linh Đàm, quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng.
KĐT mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, quy hoạch 6 lô đất xây dựng trường học, gồm 3 lô đất xây dựng trường MN, 1 lô đất trường tiểu học, 1 lô đất trường THCS, 1 lô đất trường THPT, trong đó có 1 lô đất đã hoàn thành xây dựng trường MN, 1 lô đất đang thực hiện chuẩn bị đầu tư xây dựng trường tiểu học. Lô đất xây dựng trường THPT, vướng nghĩa trang thôn Văn Điển...
Quy hoạch còn nhiều bất cập
Trước đó, trả lời ý kiến cử tri về tình trạng thiếu trường học tại các đô thị mới, đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng này và chỉ rõ nguyên nhân do đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo quy hoạch KCN, KĐT tại các địa phương chưa đầy đủ, đồng bộ với việc phát triển KCN, đô thị.
Theo cơ quan này, các địa phương cần lên kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, cũng như kế hoạch thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác giám sát của đoàn ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, cơ quan dân cử, người dân trong việc lập và thực hiện quy hoạch.
Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hà Nội, thực tiễn, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn nhiều bất cập, bố trí quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội ở một số KĐT, khu nhà ở cao tầng còn chưa đảm bảo tính khả thi (đất xây dựng trường ở các khu vực nghĩa trang, ao hồ, dân cư, đường giao thông, khó GPMB, nằm trong quy hoạch hành lang xanh…). Đó là những thực trạng rất cần khắc phục.
Để giải quyết tình trạng này, TP. Hà Nội khẳng định, thời gian tới, trong công tác quản lý chấp thuận đầu tư dự án mới, sẽ quy định cụ thể trách nhiệm, tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, nhà trẻ trong dự án; trên cơ sở đó, sẽ kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện…
Đến nay, sau khi rà soát, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo thu hồi một số dự án chậm tiến độ để lấy quỹ đất xây dựng trường học công lập tại các điểm thiếu trường học: Dự án xây dựng trường học tại ô đất TH1, KĐT đông nam đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy - Thanh Xuân...
Nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp
Thực tế, đối với trường học trong các KĐT mới, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn bắt buộc đối với công trình dịch vụ đô thị. Trong đó, chỉ tiêu tối thiểu trên 1.000 người đối với trường MN là 50 chỗ, tiểu học là 65 chỗ, THCS 55 chỗ và THPT 44 chỗ. Thế nhưng, qua các số liệu thống kê thì, Hà Nội có tới 75 trẻ học MN trên/1.000 dân. Các cấp học cao hơn cũng xảy ra tình trạng tương tự, do tỷ lệ dân số tăng quá cao.
Nhận định vấn đề này, Phó tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, PGS. TS. Vũ Thị Vinh cho rằng: “Trong quá trình xây dựng các KĐT mới, năng lực tài chính của một số chủ đầu tư yếu, không đủ sức đảm đương toàn bộ dự án theo đúng quy hoạch. Thay vào đó, họ chẻ nhỏ dự án ra, làm cuốn chiếu. Chính vì vậy, nhà ở được ưu tiên xây trước, còn mọi hạng mục khác (kể cả trường học) chỉ được liệt vào hàng thứ yếu, thậm chí "quên" luôn. Nhằm cải thiện tình trạng trống trường tại KĐTM, quỹ đất xây trường trong KĐT mới nên để cho chính quyền địa phương, hoặc ngành giáo dục quản lý để điều tiết một cách hiệu quả”.
Trong khi theo Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Đào Ngọc Nghiêm, chủ trương của Hà Nội là đẩy mạnh mô hình xã hội hóa giáo dục trong các KĐT mới. Song vẫn phải đảm bảo mỗi phường có ít nhất ở mỗi cấp học một trường công lập. Việc thiếu trường công lập trong các KĐT đã dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học nhờ, học trái tuyến, dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý, giao thông đô thị và gây bức xúc cho người dân.
“Tại các KĐT mới, cần dừng ngay việc duyệt dự án không gắn với kế hoạch thực hiện. Phải khoán gọn tiến độ với chủ đầu tư: Nếu năm 2030, hoàn tất KĐT mới, đồng nghĩa hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, cơ sở y tế, chợ… đã cam kết phải hoàn chỉnh theo.
Đồng thời, phải cân đối hài hòa giữa đầu tư ngân sách và xã hội hóa theo đặc thù từng khu vực. Cụ thể như, KCN Bắc Thăng Long hoặc nhà cho người thu nhập thấp thì rõ ràng, chỉ tiêu trường học công lập phải cao hơn…”, TS. Nghiêm nhấn mạnh.
Tuấn Ngọc